Ai phải chịu trách nhiệm vụ lật ca nô ở Quảng Nam?

Thứ tư, 02/03/2022 21:48
Liên quan đến vụ lật ca nô chở 39 người xảy ra tại Cù Lao Chàm - Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam khiến 17 người chết và mất tích. Dưới góc độ pháp lý, ai phải chịu trách nhiệm vụ tai nạn trên?

Vụ tai nạn thương tâm trên xảy ra chiều ngày 26/2 tại vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An (Quảng Nam) khi chiếc ca nô du lịch có 36 hành khách và 3 thuyền viên đã bị lật. Vụ chìm tai nạn đã làm 16 người tử vong và 1 người mất tích. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm nạn nhân cuối cùng.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, chiếc ca nô gặp nạn mang BKS QNa1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông do ông Lê Sen làm thuyền trưởng chở khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm.

Trên ca nô chở 39 người, khi từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại thì mắc cạn tại bãi cát cuối sông và bị sóng đánh lật úp. Hậu quả vụ tai nạn làm chết 16 người, 1 người vẫn đang mất tích.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ tai nạn đáng tiếc. (Ảnh: Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) 

Nhìn nhận về vụ tai nạn dưới góc độ pháp lý, luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết đây là vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều người, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của địa phương. Do đó cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, lực lượng chức năng cần làm rõ chiếc ca nô gặp nạn có đủ điều kiện lưu hành hay không, người điều khiển có bằng cấp chứng chỉ phù hợp? Quá trình vận chuyển hành khách có trang bị phao cứu sinh, có đảm bảo các quy tắc an toàn hay không? Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các hành khách bị rơi xuống biển là gì? Nhằm mục đích xác định nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến vụ việc.

Trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển phương tiện ca nô đã có lỗi và trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả nhiều người chết, nhiều người bị thương thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo điều 272 Bộ luật Hình sự.

Còn trường hợp nếu có lỗi từ phía đơn vị quản lý phương tiện cũng có thể xem xét xử lý đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nếu có căn cứ cho thấy việc quản lý phương tiện này đã xảy ra sai sót.

"Cơ quan chức năng cần phải làm rõ ca nô bị lật hay bị đắm. Nếu ca nô bị thủng là do chất lượng phương tiện không đảm bảo hay nguyên nhân nào khác. Trình độ, khả năng người điều khiển phương tiện của người điều khiển phương tiện ra sao? Số phao cứu sinh được trang bị thực tế cho các du khách là bao nhiêu, chất lượng như thế nào và việc hướng dẫn sử dụng ra sao? Đây là những yếu tố quan trọng để xác định người điều khiển phương tiện này có lỗi hay không, phương tiện có đảm bảo an toàn để làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý” – Luật sư Khương Tân Phương nói.

leftcenterrightdel
Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội). Ảnh: TN

Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy phương tiện đủ điều kiện hoạt động, việc hoạt động của phương tiện này đúng quy trình, quy định, người điều khiển phương tiện có bằng cấp chứng chỉ phù hợp, việc tai nạn xảy ra là ngoài ý chí chủ quan của người điều khiển và đơn vị vận tải, không xác định được lỗi của cơ quan tổ chức nào đối với vụ tai nạn này thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.

Về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân và gia đình các nạn nhân, luật sư Phương cho rằng đối với những nạn nhân bị thương tích, thiệt mạng, mất mát tài sản trong vụ việc này thì cần phải được hỗ trợ, bồi thường kịp thời để giảm bớt một phần thiệt hại.

Trong vụ tai nạn này, Công ty du lịch Phương Đông là chủ phương tiện vận tải chở đoàn khách du lịch sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ, kịp thời, đầy đủ tất cả các khoản về thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần đối với những người bị hại và gia đình người bị hại. Đối với những người bị thiệt mạng, sẽ phải bồi thường chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng, tiền chi trả cho nghĩa vụ cấp dưỡng mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ.

Đối với những người bị thương phải cấp cứu điều trị, phải chi trả chi phí cứu chữa cho họ, trả tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và bồi thường tổn thất về tinh thần. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, có thể đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, hành khách bị rơi mất điện thoại, ví tiền, các tài sản khác trong vụ tai nạn mà không tìm thấy cũng có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đường thủy này phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật đối với những thiệt hại thực tế đã xảy ra…/.

Theo Dangcongsan.vn
 
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra