Dự án đường ven biển ở Quảng Bình:

Hủy hồ sơ mời thầu vì doanh nghiệp không theo nổi sự khắt khe?

Thứ sáu, 04/03/2022 22:37
(ThanhtraVietNam) - Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình được kỳ vọng “thúc đẩy, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế xã hội” địa phương, nhưng hoạt động mời thầu dường như đang đặt ra các tiêu chí quá khắt khe khiến nhà thầu gặp khó khăn và chủ đầu tư cũng không dễ dàng khi phải hủy hồ sơ mời thầu dù đã thông báo mời thầu rộng rãi trên mạng.

Gói có một, gói không nhà thầu tham gia

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, đây là Dự án nhóm A với tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026, do Sở Giao thông Vận tải tỉnh làm chủ đầu tư.

Dự án gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 86 km đi qua các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới; được triển khai với tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng theo TCVN 4054 - 2005, vận tốc thiết kế 80 km/h; toàn tuyến đường sẽ có 23 cầu (gồm 1 cầu lớn, 12 cầu trung và 10 cầu nhỏ).

Năm 2021, ngân sách Trung ương đã bố trí 200 tỷ đồng để Quảng Bình thực hiện các hạng mục của Dự án như khảo sát, đánh giá hiện trạng, cắm mốc giải phóng mặt bằng, khảo sát thiết kế...

Dự án được kỳ vọng sẽ phát huy khả năng liên kết thông suốt giữa các vùng trong tỉnh; kết nối giữa các tỉnh Bắc Trung bộ; khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút đầu tư…giúp Quảng Bình nâng cao năng lực, chỉ số cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà thầu một số gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án này bằng hình thức đấu thầu qua mạng.

Đó là, gói thầu XL-04 xây lắp đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (bao gồm chi phí dự phòng) có dự toán phê duyệt hơn 345 tỷ đồng; gói thầu XL-05 xây lắp đoạn từ Km0+00 - Km27+123 đoạn Hà Trung - Mạch Nước có dự toán hơn 425 tỷ đồng; gói thầu XL-06 xây lắp đoạn từ Km27+123 - Km48+536 đoạn Hà Trung - Mạch Nước có giá trị hơn 467 tỷ đồng.

Được biết, gói thầu XL-06 đã chọn được doanh nghiệp trúng thầu với giá hơn 464,772 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh theo Quyết định số 1155/QĐ-SGTVT do Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Văn Năm ký ngày 29/12/2021.

Vừa qua, gói thầu XL-04 cũng hoàn thành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật với sự tham gia của duy nhất 1 nhà thầu.

Thông tin mới nhất, gói thầu XL-05 đã bị hủy thầu với lý do đưa ra là hồ sơ dự thầu của 3 nhà thầu tham gia dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Chúng ta đều biết, đấu thầu là hình thức có một người mua và nhiều người bán cạnh tranh nhau để nhằm tối đa hoá lợi ích của người mua và qua đấu thầu. Mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Việc đấu thầu rộng rãi góp phần tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ.

Thế nhưng, gói thầu XL-04 chỉ có duy nhất một nhà thầu tham gia “thi đấu” thì cạnh tranh với ai, nhà thầu có cần phải dùng biện pháp giảm giá để cạnh tranh với đối thủ và ngân sách sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nhờ đấu thầu?

leftcenterrightdel
Ngày 24/1/2022, Lễ khởi công Dự án đường ven biển đã được tổ chức.
Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình

Cục Đấu thầu hướng dẫn chỉ cần kê khai trong E-HSDT

Tháng 11/2021, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình đăng thông tin mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với gói thầu XL-05 và có 3 nhà thầu đã nộp hồ sơ tham gia.

Sau hơn 3 tháng mời thầu, sau hơn 3 tháng nhà thầu nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để chứng minh năng lực phù hợp với hồ sơ mời thầu và kết quả là…hủy.

Yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình là gì mà khiến cho các nhà thầu dù đã rất muốn tham gia vào một gói thầu tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng có giá trị hàng trăm tỷ đồng như vậy phải “bó tay”?

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Thanh tra, lấy lý do “để có cơ sở pháp lý đánh giá chính xác năng lực của nhà thầu”, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu nhà thầu có văn bản giải trình và cung cấp các tài liệu làm rõ các nội dung về tài chính mà nhà thầu đã kê khai tại E-HSDT nộp trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.

Ông H, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cho rằng, yêu cầu của bên mời thầu không chỉ gấp gáp về thời gian (ngày 26/1 ký văn bản yêu cầu ngày 28/1 nhà thầu phải nộp giải trình - PV) mà còn có dấu hiệu “nhiêu khê”.

Đó là, không chỉ yêu cầu cung cấp bảng cân đối tài khoản, bảng kê chi tiết doanh thu, chi tiết dư nợ, biên bản kiểm tra chi tiết hàng hóa tồn kho…mà Sở này còn yêu cầu cung cấp bản gốc hóa đơn, chứng từ liên quan đến các danh mục công trình dở dang tại báo cáo tài chính mà nhà thầu đã đính kèm tại E-HSDT.

Ngoài ra, một nhà thầu khác còn phản ánh, doanh nghiệp này cũng nhận được yêu cầu giải trình hàng loạt nội dung về nguồn lực tài chính, kết quả hoạt động tài chính và cung cấp tài liệu “chứng minh tình hình tài chính lành mạnh” của nhà thầu cho dù những tài liệu này đã được đính kèm đầy đủ tại E-HSDT nộp qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.

Tháng 12/2021, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có ý kiến hướng dẫn pháp luật đấu thầu đối với Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình về việc đánh giá E-HSDT. Theo đó, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh. Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT.

Thiết nghĩ bên mời thầu cần kiểm tra, rà soát lại các tiêu chí tại hồ sơ mời thầu, giá gói thầu…theo quy định và tiến hành các thủ tục thông báo mời thầu lại để thu hút đông đảo các nhà thầu đủ năng lực tham gia.

KHÔNG ĐƯỢC NÊU ĐIỀU KIỆN HẠN CHẾ SỰ THAM GIA CỦA NHÀ THẦU

* Khoản 2, Điều 12, Nghị định 63/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã yêu cầu, trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

* Mục a, Điểm 5, Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước cũng quy định rõ: Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Đắc Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra