Không có cơ sở để “sửa đổi” quy định về thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra

Thứ tư, 30/03/2022 10:44
(ThanhtraVietNam) – Đây là ý kiến trả lời của Thanh tra Chính phủ đối với đề nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về xem xét, sửa đổi quy định hình thức, quy mô của Tổ giám sát Đoàn thanh tra.
leftcenterrightdel
Không có cơ sở để “sửa đổi” quy định về về thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra

Thanh tra Chính phủ mới đây đã có Báo cáo số 376/BC-TTCP về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, theo đó cử tri thành phố Hải Phòng đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định về thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra của Chánh Thanh tra cấp tỉnh, trình tự tiến hành các cuộc kiểm tra đối với lĩnh vực quản lý của ngành Thanh tra; xem xét, sửa đổi quy định hình thức, quy mô của Tổ giám sát Đoàn thanh tra theo hướng: tùy tính chất của cuộc thanh tra, người ban hành quyết định thanh tra sẽ ban hành quyết định thành lập Tổ giám sát, vì thực tế hiện nay tại một số quận, huyện và sở, ngành, biên chế của thanh tra được bố trí từ 3 - 7 người, do đó việc ban hành quyết định thành lập Tổ giám sát gặp khó khăn, không đủ biên chế, điều kiện thành lập Tổ giám sát theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cho biết, về nội dung cử tri đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định về thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra của Chánh Thanh tra cấp tỉnh, trình tự tiến hành các cuộc kiểm tra đối với lĩnh vực quản lý của ngành Thanh tra: Phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra là quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra mà không quy định về tổ chức và hoạt động của các đoàn, tổ kiểm tra nói chung và của Chánh Thanh tra cấp tỉnh nói riêng. Vì vậy, không có cơ sở để “sửa đổi” quy định về kiểm tra như cử tri nêu. Trường hợp cần kiểm tra nội dung hoặc đối tượng nào đó thì Chánh Thanh tra cấp tỉnh có thẩm quyền hành chính của người đứng đầu để tiến hành kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, yếu kém trong cơ quan mình.

Về nội dung cử tri đề nghị xem xét, sửa đổi quy định hình thức, quy mô của Tổ giám sát Đoàn thanh tra như đề cập ở trên đã được quy định cụ thể tại Điều 29 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Theo đó, trách nhiệm giám sát hoạt động Đoàn thanh tra trước hết thuộc về Người ra quyết định thanh tra. Trường hợp xét thấy cần thiết thì Người ra quyết định thanh tra giao cho công chức thuộc thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoặc Tổ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (gọi chung là người thực hiện giám sát) thì Người ra quyết định thanh tra ban hành Quyết định giám sát.

Như vậy, tùy theo tính chất, quy mô cuộc thanh tra và căn cứ điều kiện thực tiễn cơ quan thì Người ra quyết định thanh tra có thể giao nhiệm vụ giám sát cho cá nhân hoặc Tổ giám sát. Quy định này cũng đang được kế thừa và được đưa vào quy định trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)./.

H.T

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra