Thanh Hóa:

80% lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc thiểu số được bảo tồn bằng dữ liệu số hóa

Thứ năm, 09/09/2021 10:50
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong các mục tiêu đáng chú ý được tỉnh Thanh Hóa xác định đến năm 2023 trong việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025”.

Vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa có hơn một triệu người, trong đó đồng DTTS có hơn 600 nghìn người, chủ yếu là các dân tộc Mường, Thái, Thổ, H’Mông, Dao, Khơ Mú. Những năm qua, với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương và địa phương, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS vẫn còn cao.

Nguyên nhân chính là việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, các mô hình phát triển kinh tế cũng như hạn chế trong việc ứng dụng CNTT của đồng bào dân tộc trong cuộc sống hằng ngày.

Trước thực trạng đó, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 414/QĐ - TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025”. Theo đó, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và an ninh trật tự.

Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2023, 100% người có uy tín, 90% đồng bào DTTS nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về an ninh, trật tự; chính sách về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phòng, chống thiên tai; 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 90% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng, chống các bệnh đặc thù để chủ động bảo đảm giữ gìn ổn định cuộc sống.

Tỉnh Thanh Hóa cũng tăng cường ứng dụng CNTT bảo đảm 80% các lễ hội, phong tục tập quán của từng DTTS trên địa bàn được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện để phổ biến, giới thiệu rộng rãi với công chúng; xây dựng thư viện điện tử, dữ liệu về công tác dân tộc của tỉnh bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin kịp thời. 

Mục tiêu đến hết năm 2025, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ đồng bào DTTS. Phấn đấu 100% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường. Hoàn thiện bộ dữ liệu về DTTS Việt Nam; các thông tin về lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm, vật phẩm tiêu biểu của các DTTS Việt Nam được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước. Hoàn thiện thư viện điện tử về công tác dân tộc. Thúc đẩy đồng bào dân tộc ứng dụng CNTT góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng DTTS.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: VOV.VN

Hơn 2 năm thực hiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm Thông tin - Ủy ban Dân tộc triển khai xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả.

Đáng chú ý, Dự án "Nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa" đã góp phần nâng cao nhận thức trong toàn bộ cán bộ công chức Ban Dân tộc về vai trò, tác dụng của việc ứng dụng CNTT, nâng cao hiểu biết và kỹ năng làm việc của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Nhà nước.

Ban Dân Tộc có được hệ thống công cụ hữu hiệu nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tích cực vào chương trình cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc của các cán bộ công chức theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Tiếp đó, hệ thống triển khai cũng giúp đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu DTTS hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trọng việc tra cứu tìm kiếm dữ liệu phục vụ công tác dân tộc. Hệ thống hỗ trợ các tính năng cho phép phân quyền đến từng phòng, ban, cán bộ, công chức, chuyên viên nhằm đảm bảo tính bảo mật của thông tin...Việc duy trì và kết nối, liên thông đến hệ thống thông tin dữ liệu công tác dân tộc toàn quốc tại Ủy ban Dân tộc luôn được đảm bảo. 

Để đảm bảo duy trì hoạt động của Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề nghị Trung tâm Thông tin, Ủy ban Dân tộc tiếp tục hỗ trợ việc duy trì cài đặt và vận hành Hệ thống trong những năm tiếp theo để khai thác sử dụng. Trong giai đoạn 2021-2025, việc cập nhật thông tin, dữ liệu, số hóa và khi có sự thay đổi cần nâng cấp, bổ sung Hệ thống, do vậy Trung tâm Thông tin, Ủy ban Dân tộc cần có các văn bản hướng dẫn kịp thời và phối hợp tham mưu cho Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Thanh Hóa để triển khai thực hiện./.

Ngô Tính

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra