Lai Châu:

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển

Thứ năm, 02/09/2021 16:38
(ThanhtraVietNam) - Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày vào tháng 12/2021 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Lai Châu, sự phối hợp của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và 12 tỉnh có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Ban Tổ chức cho biết, ngày hội Văn hóa dân tộc Mông được tổ chức nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước; đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc Mông tại các địa phương nói riêng, của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại tỉnh Lai Châu và các tỉnh bạn nói chung được giao lưu, xây dựng tình đoàn kết và giới thiệu những nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Mông trên mọi miền của cả nước, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đây là dịp để các tỉnh tham gia Ngày hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; tăng cường giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế.

leftcenterrightdel
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III được tổ chức tại Lai Châu. Ảnh minh họa/Internet. 

Ngày hội có sự tham gia của 12 tỉnh gồm: Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái và Đắk Lắk.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển".  Ngày hội gồm 2 phần: Phần lễ và Phần hội. Trong phần lễ có: Dâng hoa, khai mạc, bế mạc. Phần hội và các hoạt động của 12 tỉnh tham gia gồm có: Hoạt động văn hóa (Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của 12 tỉnh tham gia Ngày hội; thi giã bánh giầy; triển lãm “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”); hoạt động thể thao quần chúng dân tộc Mông; hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, có các hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội do tỉnh Lai Châu tổ chức: Không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, OCOP của các huyện, thành phố; gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của các tỉnh; không gian giới thiệu ẩm thực; tổ chức festival Dù lượn…

Ban Tổ chức cho biết, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lai Châu báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức ngày hội của Trung ương và thông tin cụ thể đến các tỉnh tham gia Ngày hội.

Dân tộc Mông có các đặc điểm, đặc trưng:

- Thường cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc như: Hà Giang, Lào Cao, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu..

- Nét bản sắc văn hóa:

+ Lao động sản xuất: Nguồn sống chính làm nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa, ở một vài nơi có ruộng bậc thang. Cây lương thực chính là ngô và lúa nương, lúa mạch. Ngoài ra, đồng bào còn trồng lanh dệt lấy sợi dệt vải.

+Trong tổ chức xã hội truyền thống: Người Mông thường sống rải rác thành làng bản nhỏ theo dòng họ, các thành viên trong đó đều phải chấp hành những luật tục và quy định cụ thể mà dòng họ đó đưa ra.

+ Tổ chức cộng đồng: Bản của người Mông có vài ba nóc nhà trở lên, trong bản có nhiều dòng họ,  tuy nhiên có bản chỉ có một dòng họ. Nhà dựa lưng vào núi, làm nhà san sát nhau.

+ Nghi lễ quan trọng: Người Mông tổ chức nhiều lễ hội trong năm như: lẽ hội Gầu Tào, Nào Sồng, Tết cổ truyền của người Mông vào tháng 12 dương lịch…

+ Đời sống văn hóa tinh thần (xưa và nay): Nhạc cụ là đặc trưng trong văn hóa của người Mông, tiêu biểu là khèn trúc, khèn lá, nhị đàn tròn, đàn môi, sáo, trống...

L.A

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra