Chú trọng đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS

Chủ nhật, 05/09/2021 06:34
(ThanhtraVietNam) - Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận thông tin vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Bắc Kạn chú trọng đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, nhiều hoạt động lồng ghép tập huấn, tuyên truyền công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tổ chức cung cấp, phổ cập các kiến thức về CNTT được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo các xã, Trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Hỗ trợ người có uy tín ứng dụng CNTT để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân hưởng ứng việc sử dụng các ứng dụng CNTT trong việc góp ý, đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật và trao đổi thông tin tương tác hai chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước. Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan nhà nước cung cấp…

Đồng thời, tỉnh Bắc Kạn còn tổ chức các mô hình tuyên truyền trực tuyến trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất cho đồng bào DTTS và đào tạo nghề cho thanh niên nơi đây.

Một số mô hình tốt, cách làm hiệu quả về chuyển giao các quy trình sản xuất, công nghệ sản xuất cho người dân như: kỹ thuật sản xuất chè VietGAP; sản xuất và tiêu thụ cam, quýt theo hướng VietGAP; kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây hồng không hạt; quy trình kỹ thuật sản xuất tinh dầu quýt; công nghệ chế biến các sản phẩm chè mới chất lượng cao (chè Ngân Kim, chè sợi, chè xanh thơm, Hồng trà, Bạch trà…) với tổng số lượt người dân được tập huấn, chuyển giao khoảng 800 lượt người/năm.

leftcenterrightdel
Cán bộ cơ sở là người dân tộc được chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Ảnh: Nhandan.vn 

Đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT. Đồng thời, công tác giảng dạy, phổ cập tin học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú và trường Cao đẳng Bắc Kạn cũng được tăng cường với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ về CNTT cho vùng DTTS, miền núi.

Thực tế, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 185-KH/TU ngày 05/5/2020 về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách về đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tham mưu xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoàn thiện hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh Bắc Kạn.

Đồng thời, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành; giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, ưu tiên lồng ghép các dự án, chính sách để thực hiện Đề án đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Hoạt động xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách trên nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hoàn thiện hạ tầng chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó ưu tiên ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi...

Dù đạt đạt được những kết quả ban đầu, song do chưa cân đối được kinh phí thực hiện, các nội dung Đề án được lồng ghép thực hiện với các chương trình, dự án nên hiệu quả chưa thực sự cao. UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án đối với những địa phương chưa tự cân đối được kinh phí để đảm bảo triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu nhiệm vụ Đề án./.

Ban Dân tộc chủ trì xây dựng hệ thống dữ liệu về công tác dân tộc của tỉnh đảm bảo kết nối liên thông 2 chiều đến Hệ thống thông tin công tác dân tộc tại Ủy ban Dân tộc gồm 4 nội dung chính:

1. Thu thập thông tin, số liệu phản ánh thực trạng tình hình: Dân số và chất lượng dân số, phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, tình hình sản xuất, thu nhập và chi tiêu, nghèo đói, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống, phòng chống tệ nạn xã hội, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tình hình tôn giáo, di cư tự do, khiếu kiện, an ninh nông thôn,… của DTTS và hệ thống các văn bản, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh bao gồm dữ liệu về dân tộc của 122 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố; Số hoá dữ liệu thu thập đưa vào hệ thống phần mềm quản lý nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng hệ thống phần mềm CSDL thống kê về thực trạng kinh tế - xã hội của các DTTS trên địa bàn tỉnh phục vụ quản lý, lưu trữ, khai thác và xử lý dữ liệu thu thập từ các cấp, đảm bảo tích hợp chung với nền tảng CSDL 53 DTTS.

3. Thuê hạ tầng CNTT phục vụ quản lý, khai thác sử dụng hệ thống CSDL.

4. Đào tạo, tập huấn thu thập, cập nhật phiếu điều tra, quản lý, sử dụng, khai thác CSDL và các phần mềm.

 

 

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra