Đảm bảo khai thác hiệu quả thông tin về chính sách dân tộc

Thứ tư, 08/09/2021 12:28
(ThanhtraVietNam) – Đó là một trong những kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025” (Đề án) trên địa bàn tỉnh.

Triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình, đề án khác liên quan.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trình UBND tỉnh ban hành các văn bản thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin, hướng dẫn, vận hành, sử dụng và khai thác phần mềm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu quy trình sử dụng phần mềm cho các đối tượng là công chức Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan; cán bộ, công chức thuộc các đơn vị cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh xây dựng và ban hành quy chế vận hành, khai thác hệ thống phần mềm. Đảm bảo rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, vận hành, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Với nguồn kinh phí được phân bổ để thực hiện Xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Ủy ban Dân tộc và Sở Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn triển khai thực hiện. Kết quả, đã triển khai thực hiện kết nối tới được các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh và cung cấp đường dẫn truy cập, mật khẩu đến các sở, ban, ngành để phối hợp trong công tác cập nhập dữ liệu.

Căn cứ vào danh mục hệ thống 78 chỉ tiêu cần nhập, Ban Dân tộc đã triển khai từ tháng 12/2020 đến các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, một số đơn vị phản hồi chưa có số liệu để đưa vào chỉ tiêu được yêu cầu. Hơn nữa, vì là năm đầu tiên thực hiện nên trong quá trình triển khai, phối hợp còn nhiều hạn chế như các chỉ tiêu cần nhập chưa hoàn thiện.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ - Internet

Còn nhiều khó khăn trong triển khai Đề án

Để triển khai Đề án thống nhất trên cả nước, Uỷ ban Dân tộc đã ban hành văn bản số 650/UBDT-TTTT ngày 12/7/2017 và văn bản số 935/UBDT-TTTT ngày 11/9/2017 về triển khai, phối hợp xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc.

Uỷ ban Dân tộc cho biết, việc thu thập thông tin về công tác dân tộc nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu thông tin quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Số liệu được tổ chức lưu trữ một cách thống nhất và hệ thống để dùng chung, cho phép dễ dàng tổng hợp, phân tích, khai thác thông tin một cách hiệu quả. Qua đó, phục vụ kịp thời và nhanh chóng cho công tác chỉ đạo điều hành chuyên môn nghiệp vụ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc Trung ương và địa phương.

Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Ninh Thuận gặp một số khó khăn, như: Nguồn kinh phí thấp (300 triệu đồng), không đủ đáp ứng triển khai dự án “Xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Ninh Thuận” nên ưu tiên triển khai trước các chức năng quản lý danh mục và nhập liệu tới các sở, ban, ngành, trong khi đó các biểu cần nhập liệu phải lấy tới cấp huyện, xã... Vì vậy, hiện nay việc đảm bảo tính kết nối, liên thông đến hệ thống thông tin dữ liệu công tác dân tộc tại địa phương và Ủy ban Dân tộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa hoàn thiện.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức thực hiện công tác xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc chỉ kiêm nhiệm; khối lượng công việc hiện nay nhiều và nguồn kinh phí của địa phương thấp, có ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện Đề án.

Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho rằng, cần đảm bảo thống nhất chuẩn dữ liệu dùng chung; có kết nối liên thông với hệ thống cơ sở quốc gia về các lĩnh vực liên quan; phải thuận lợi trong cập nhật thông tin và bổ sung dữ liệu; tương thích với các kết quả điều tra thống kê; đảm bảo khai thác hiệu quả thông tin về chính sách dân tộc.

Đặc biệt, Trung tâm Thông tin của Ủy ban Dân tộc cần quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong công tác triển khai thực hiện khi có các vướng mắc, khó khăn./.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra