Đổi mới cách làm để tác phẩm tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo có giá trị

Thứ sáu, 12/11/2021 08:13
(ThanhtraVietNam) - Đó là đề nghị của ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đối với các cơ quan báo chí tại Hội nghị tập huấn thực hiện Đề án “Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” do Bộ TTTT tổ chức chiều ngày 11/11/2021 tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại các phòng họp của Cục Viễn thông thuộc Bộ TTTT nhằm đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Hoàng Minh)

Dự hội nghị có đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ TTTT, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan báo chí tham gia triển khai thực hiện Đề án.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn cho biết, Đề án “Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” luôn là nhiệm vụ chính trị, cung cấp những thông tin thiết yếu cho xã hội. Trong điều kiện hiện nay, việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo (DTTG) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc; các quan điểm của Đảng, đường lối chính sách của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đề án có 3 nhóm nhiệm vụ, gồm: Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền về DTTG cho các đối tượng; xây dựng chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ thông tin, tuyên truyền về DTTG; tuyên truyền về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, các giá trị tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ TTTT cho hay, trong năm 2021, có 9 nhà xuất bản; 40 cơ quan báo chí thuộc 31 bộ, ngành, cơ quan Trung ương sản xuất hàng nghìn tác phẩm báo chí, sản phẩm thông tin điện tử và các hình thức khác về DTTG. Với các chủ đề nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền rất đa dạng, trong đó chú trọng tuyên truyền trên báo hình và báo điện tử.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị tại phòng họp số 7. (Ảnh: Hoàng Minh)

Theo Quyết định ban đầu, Đề án có thời gian thực hiện là 3 năm (2019-2021). Tuy nhiên, do năm 2021, Đề án mới được thực hiện 1 năm nên Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện Đề án đến hết năm 2023.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe cơ quan thường trực của Đề án là Bộ TTTT, tổ công tác liên ngành phối hợp triển khai thực hiện Đề án báo cáo tình hình thực hiện Đề án năm 2021 và công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Đề án năm 2022. Đồng thời, Hội nghị cũng nghe báo cáo kết quả các chương trình, tài liệu phục vụ nhiệm vụ 1 của Đề án. Sau đó, các đại biểu thảo luận để giải quyết những vấn đề khó khăn cho việc thực hiện Đề án năm 2021 và bàn biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thực hiện Đề án năm 2022.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện triển khai Đề án trong 2 năm tiếp theo cần đảm bảo hiệu quả, hình thức thông tin đa dạng, phù hợp với đối tượng tiếp nhận, đảm bảo tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nội dung tuyên truyền phải chuyên sâu, sát thực.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu và dựa trên kết quả thực hiện Đề án năm 2021, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị trong năm 2022, các cơ quan báo chí tham gia thực hiện Đề án phải nắm chắc định hướng về nội dung để triển khai thực hiện có chất lượng. Tập trung khai thác chuyên sâu theo tuyến bài, chủ đề về một dân tộc, tôn giáo… đổi mới cách làm nhằm tạo ra những tác phẩm tuyên truyền có giá trị.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ TTTT lưu ý các cơ quan báo chí về các nội dung cần tránh khi tuyên truyền về DTTG, không giật tít, câu view. Đồng thời, các đơn vị tham gia tuyên truyền phải phối kết hợp, tránh chồng chéo, trùng lắp…/.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra