Giải pháp thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động chấn chỉnh, loại bỏ các hủ tục lạc hậu

Thứ năm, 24/03/2022 05:36
(ThanhtraVietNam) – Việc vẫn tồn tại những hiện tượng, sự việc phản cảm như “cướp vợ”, “bắt vợ” tại một số địa phương thời gian qua là không phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, gây bức xúc dư luận xã hội. Bởi vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm triển khai các giải pháp xử lý, trong đó có thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Vẫn còn hiện tượng, sự việc phản cảm

Theo nhận định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), thời gian qua, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm, tổ chức đồng bộ và cụ thể hóa thông qua các chương trình hành động. Cùng với đó, nhiều chính sách đã kịp thời được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bám sát với yêu cầu của thực tiễn, hoạt động văn hoá ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm, bảo tồn, phát huy trong thời kỳ mới của đất nước.

Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ VHTTDL nhận thấy, vẫn còn những hiện tượng, sự việc phản cảm như “cướp vợ”, “bắt vợ” tại một số địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện tượng này không phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông.

Thực tế, qua các thông tin từ mạng xã hội và phản ánh từ báo chí, có thể kể đến vụ việc xảy ra tại tỉnh Hà Giang sau khi có thông tin về vụ việc “bắt vợ” lực lượng công an đã kịp thời đến giải quyết và xử lý. Hay vụ việc trong đoạn clip nghi là "bắt vợ", được cho xảy ra tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Cô gái ra sức chống cự, bám chặt cô gái đi cùng, tuy nhiên vẫn bị nhóm người tách ra và khênh đi dưới trời mưa lạnh. Clip đăng tải đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người và nhiều ý kiến phản đối về hủ tục này...

Dưới góc nhìn của Luật sư, thì hủ tục “bắt vợ” hay “kéo vợ” nếu biến tướng thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú, tự do hôn nhân của công dân thì những đối tượng thực hiện hành vi này rất có thể phải đối mặt với hành vi phạm tội, vì các cô gái bị thực hiện hành vi “bắt vợ”, “kéo vợ” thường có tuổi đời còn rất trẻ, hoặc là vị thành niên. Trong khi, các hành vi biến tướng của “bắt vợ” đều rất thô bạo, mặc cho sự chống cự trong tuyệt vọng của các cô gái. Chưa kể nếu có các hành vi để lại hậu quả như xâm hại thì đối tượng của hủ tục biến tướng này còn phải đối mặt với các tội danh cao hơn.

leftcenterrightdel
Một vụ việc biến tướng hủ tục "bắt vợ" được cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý. Ảnh cắt từ clip (vtv.vn)

Phải kịp thời thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm

Mới đây, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản 861/BVHTTDL-VHDT về việc chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống.

Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị Sở VHTTDL, Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ chấm dứt những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống trong công tác quản lý văn hoá, các vấn đề hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Một nhiệm vụ quan trọng khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, công tác văn hoá dân tộc nói riêng trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của những phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Mới đây, tại phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 2/2022, báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 nêu ra nhiều vấn đề nóng được cử tri, Nhân dân quan tâm thời gian qua trong đó có tình trạng “bắt vợ” xuất hiện ở địa phương. Lãnh đạo Quốc hội đã nêu vấn đề "bắt vợ" là hủ tục từ xưa, nhưng bây giờ lại tái diễn thì trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan của Quốc hội như thế nào. Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm nên kiểm tra, chủ động vào cuộc sớm.

Như vậy, cùng với văn bản chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống từ Bộ VHTTDL thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực và cấp ủy chính quyền địa phương cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để tăng cường tính răn đe, dần loại bỏ những hủ tục biến tướng, không phù hợp với giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.

Hải Trung Kim

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra