Quảng Trị:

Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc đảm bảo yêu cầu về chức năng, tính năng

Chủ nhật, 12/09/2021 15:00
(ThanhtraVietnam) - Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 ”, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, dù còn một số khó khăn nhưng việc xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc đã đảm bảo yêu cầu về chức năng, tính năng.

Miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh tuyến biên giới Việt - Lào. Trên địa bàn có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Vân Kiều, Pa Cô sinh sống tập trung theo cộng đồng thôn bản với hơn 19 nghìn hộ, hơn 87 nghìn nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 14% dân số toàn tỉnh).

Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, phấn đấu của cộng đồng các dân tộc, vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo lợi thế của từng vùng. Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 ”, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở đó, ban Dân tộc đã thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, chính sách để hỗ trợ đồng bào, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 4%, bộ mặt nông thôn miền núi có thay đổi rõ rệt, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. Hạ tầng cơ sở được xây dựng đồng bộ phục vụ cơ bản cho sản xuất và đời sống dân sinh, 100% số xã có điện lưới quốc gia, 100% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, hệ thống trường lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, cao tầng hóa ở hầu hết xã, trung tâm cụm xã…

Trên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có, các sở, ngành, địa phương đã lồng ghép ứng dụng CNTT trong hoạt đông chuyên môn. Văn phòng UBND các xã miền núi đều đã có máy tính kết nối Internet giúp thông tin trao đổi với huyện, tỉnh được nhanh chóng.

Thời gian qua, Quảng Trị đã triển khai Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung, đến nay trục liên thông của tỉnh tại địa chỉ: http://truclienthong.quangtri.gov.vn/ihorae đã kết nối trục liên thông văn bản quốc gia và trục liên thông chia sẻ dữ liệu quốc gia nhằm chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào khai thác thông tin.

Các sở, ngành đã triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành giúp người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như địa phương với đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc, định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa bàn miền núi.

Trang thông tin điện tử các sở, ngành, huyện có đồng bào DTTS thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến vùng đồng bào DTTS. Trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc thường xuyên cập nhật các thông tin mới, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các chính sách đối với đồng bào DTTS; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phát hiện, đăng tải kịp thời các gương làm ăn giỏi, các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc. Được xây dựng trong 2 năm 2019, 2020, hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức khai thác thông tin tại: http://quangtri.csdldantoc.vn. Việc xây dựng Hệ thống đảm bảo yêu cầu về chức năng, tính năng hoạt động.     

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn một số khó khăn dẫn tới kết quả đạt được chưa cao. Cơ sở vật chất kỹ thuật, nền tảng công nghệ thông tin ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương vẫn chưa nhiều. Ngân sách của tỉnh còn khó khăn, phải tập trung cho việc phòng chống dịch bệnh Covid và khắc phục hậu quả bão lũ nên chưa thể đầu tư đủ mạnh cho việc ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự như kế hoạch.

“Đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đề xuất với Chính phủ bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương (đặc biệt là các địa phương chưa tự chủ được ngân sách) để thực hiện Đề án thành công theo đúng tiến độ đề ra”, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đề xuất.

Đăng Tân

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra