Đăk Tô, Kon Tum:

Kết quả nổi bật trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc

Thứ ba, 07/09/2021 12:32
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chính sách đúng  đắn, cách làm phù hợp tạo đồng thuận trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Theo UBND Huyện Đăk Tô, trong những năm qua việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án về phát triển kinh tế - xã hội đã được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể các cấp quan tâm chỉ đạo qua đó đã tạo được sự đồng thuận lớn trong Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Nhận thức của Nhân dân trên địa bàn đã có sự chuyển biến đáng kể, biết phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo. Nhiều chương trình, dự án đã được lồng ghép, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Tính hiệu quả của các chương trình, chính sách, dự án này thể hiện ở chỗ làm thay đổi được căn bản tập quán sản xuất lạc hậu, giúp đồng bào biết tính toán, lựa chọn những loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện hộ gia đình gắn với yếu tố thị trường và điều kiện tự nhiên tại địa phương; giúp người dân mạnh dạn trong việc ứng dụng giống mới vào sản xuất, dần tiếp cận được với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục tình trạng sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chuyển sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Nhân dân, góp phần giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Thông qua việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 12,26% năm 2016 giảm xuống còn 7,14% năm 2020; tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động người DTTS qua bồi dưỡng, đào tạo năm 2020 ước đạt trên 44,6%; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện được đầu tư tương đối đồng bộ, đến nay 100% số xã có đường ô tô được nhựa hóa đến trung tâm xã; huyện đã cơ bản xóa được phòng học tạm bợ; 100% số thôn, làng đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, tu bổ, các điểm có tiềm năng phát triển du lịch, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn đã được chú trọng, quan tâm công tác khôi phục, bảo tồn các di sản, phục dựng một số lễ hội truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo củng cố, đầu tư mở rộng mạng lưới truyền thanh ở cơ sở, nâng cấp hệ thống truyền thanh, truyền hình. Chất lượng phổ cập giáo dục giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập Trung học cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng cao.

leftcenterrightdel
Chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Ảnh: Phúc Thắng 

Đổi mới tuyên truyền chính sách dân tộc

UBND huyện Đăk Tô đánh giá, chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp kịp thời quan tâm sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt trên 99,8%, có 27/34 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79,41% (tăng 25,36% so với đầu năm 2016).

Không những vậy, đến nay 9/9 Trạm Y tế có bác sỹ, bình quân có 6,2 bác sỹ/một vạn dân và 40 giường bệnh/một vạn dân; 100% Trạm Y tế xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế cuối năm 2020 đạt 91%. Công tác Dân số, gia đình, trẻ em được triển khai tích cực và đạt kết quả; 100% thôn, làng, khối phố có nhà sinh hoạt văn hóa, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Huyện Đăk Tô cho rằng, để thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cán bộ và quần chúng Nhân dân các dân tộc nhận thức sâu sắc, nhất là công tác dân tộc, chính sách về dân tộc.

Đồng thời, khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống nhằm giải quyết lao động nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực chế biến nông sản; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thu mua, chế biến các hàng nông sản, từ đó đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn huyện, hạn chế tình trạng bán nông sản non, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Không những vậy, địa phương này sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức trong công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS để có cơ sở đề xuất nội dung đầu tư hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; Tiếp tục phát huy vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới./.

Trường An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra