Cần cơ chế giám sát đồng bộ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ hai, 25/07/2022 16:59
(ThanhtraVietNam) – Cần chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp nhằm tạo ra cơ chế giám sát đồng bộ, có hiệu quả giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước với giám sát xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một chủ trương xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ta. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thực hành tiết kiệm có ý nghĩa sâu sắc và đã đóng góp hết sức quan trọng trong việc sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước xác định là một “quốc sách” và được quy định rõ trong Điều 56 Hiến pháp năm 2013 cũng như trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013.

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn từ năm 2016-2021 đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn như: Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN  ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/NQ-MTTW-UB ngày 22/01/2018 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam); xây dựng Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, về suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa ” trong cán bộ, đảng viên… Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã rà soát lại hệ thống các văn bản, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của Đảng đoàn, Ban Thường trực, quy chế tổ chức và hoạt động của các ban, đơn vị cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, góp phần đưa hoạt động từng bước đi vào nề nếp theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch.

Xác định việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm và phối hợp trong hệ thống Mặt trận cũng như với các ban, ngành, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật cùng cấp và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua các bài viết, bản tin, phóng sự, lồng ghép trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, một số địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác này như: Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Quảng Trị, Lâm Đồng, Bình Phước, Tuyên Quang đã phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí, truyền hình địa phương đưa tin bài tuyên truyền pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo và những tấm gương điển hình tiêu biểu để phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Nhân dân; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng các phong trào, mô hình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt như: Phong trào “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, mô hình “biến rác thải thành tiền”…

Hằng năm, trong các đợt tập huấn công tác, giao ban định kỳ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đều tổ chức quán triệt, tập huấn các nội dung công tác Mặt trận gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, công chức, người lao động; đồng thời đưa nội dung thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nội dung chính của hoạt động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền để tổ chức triển khai thực hiện. Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm tiết kiệm tối đa về nhân lực, vật lực. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Từ năm 2016 - 2021, theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, không có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật liên quan đến hành vi lãng phí trong quá trình thực hành công vụ. Những hành vi lãng phí, chưa tiết kiệm trong nội bộ cơ quan đều được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Thanh tra Nhân dân nhắc nhở và kịp thời sửa đổi.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, trong 5 năm (2015-2021), Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã đẩy mạnh đổi mới công tác tài chính, quản lý tài sản đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản của các tổ chức chính trị - xã hội đã được xây dựng, ban hành kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã điều chỉnh cắt giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư, xây dựng các thiết chế phục vụ cho đoàn viên, hội viên, người lao động. Là tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đơn vị kinh tế, đơn vị sự nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý các đơn vị kinh tế; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chế độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công đoàn; tiến hành một bước rà soát, sắp xếp đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế để tăng hiệu quả kinh tế, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức và hoạt động.

leftcenterrightdel
Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng 

Ở Trung ương, với vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia góp ý đối với hàng trăm dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, các chương trình, dự án, đề án; tổ chức nhiều hội nghị với thành phần tham gia là các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực có liên quan đến nội dung phản biện để thực hiện phản biện xã hội đối với các dự án, đề án luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được Nhân dân quan tâm. Trong quá trình nghiên cứu, góp ý, phản biện xã hội dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án, một trong những nội dung mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng đó là tính hiệu quả, tiết kiệm khi triển khai trên thực tế. Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, những quy định, nội dung trong dự thảo sau khi nghiên cứu nếu thấy chưa phù hợp, thiếu tính khả thi, gây lãng phí nếu áp dụng trên thực tiễn thì Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đều có văn bản phản biện, góp ý gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhiều nội dung phản biện, góp ý chính xác đã được cơ quản chủ trì soạn thảo tiếp thu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật, đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí… Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hiện đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thay thế cho Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản về thực hiện dân chủ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, hiện đang nghiên cứu, trình Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét, cho ý kiến về chủ trương đề xuất xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân để tạo cơ sở cho người dân trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện quyền giám sát trên mọi lĩnh vực.

Ở địa phương, trong 05 năm (2015-2021), MTTQ Việt Nam các cấp nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả trong tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các vấn đề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính; tài chính công; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các dự án BOT, BT… nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những “khe hở” dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước. Một số địa phương làm tốt công tác này như: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang… đã tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội vào các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, đề án của cơ quan chính quyền địa phương về vấn đề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 - 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát nhiều nội dung, trong đó nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được lồng ghép trong các nội dung giám sát. Trong đó, ở Trung ương, một số nội dung giám sát đã triển khai có xem xét đến vấn đề hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí như: Giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan (giám sát tính hiệu quả, chống lãng phí trong việc triển khai hỗ trợ các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế và việc cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan); giám sát thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và công nghệ (giám sát việc bố trí nguồn nhân lực và kinh phí cho khoa học và công nghệ của các địa phương đã hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm hay chưa); giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (giám sát việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho người dân, tăng tính hiệu quả, tiết kiệm trong thực hiện); giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (giám sát quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có chính xác, hiệu quả, lãng phí hay không); giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí…

 Ở địa phương, hầu hết Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian qua đều đã tổ chức giám sát hoặc phối hợp với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, các sở ban ngành cùng cấp giám sát việc thi hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương thông qua việc giám sát về việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh, thành phố; giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp về chính sách hỗ trợ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng; giám sát việc thực hiện đấu thầu thi công các công trình giao thông, thủy lợi; giám sát hoạt động thu, quản lý, sử dụng các loại quỹ có sự đóng góp của người dân… Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương trong những năm qua cũng đã phát huy được hiệu quả, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là việc giám sát các công trình, dự án có sự tham gia đóng góp trực tiếp của người dân, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng ở những nơi được thụ hưởng dự án; kịp thời phát hiện và kiến nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục những sai sót, tránh lãng phí. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để Nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật và giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và việc sách nhiễu với Nhân dân.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cho thấy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Trong các báo cáo định kỳ của Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phản ánh ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tổng hợp báo cáo chung gửi tới Quốc hội và các cơ quan có liên quan tại các kỳ họp Quốc hội hằng năm cho thấy, liên quan đến nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri và Nhân dân phản ánh ý kiến, kiến nghị về các vấn đề như: Việc hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; về hiệu quả, tính tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công; việc quản lý, sử dụng đất còn nhiều bất cập gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của Nhân dân; việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân còn chậm; việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác phản biện xã hội, giám sát của Mặt trận và công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đối với hoạt động của các cơ quan công quyền để tránh lãng phí trong tổ chức và hoạt động.

Nhân dân cũng mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương; coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thanh kiểm tra, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm, công khai, minh bạch các hành vi vi phạm để Nhân dân biết và giám sát.

Do đó, để nâng cao vai trò và hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, của MTTQ Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí.

 Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên. Đặc biệt, chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp nhằm tạo ra cơ chế giám sát đồng bộ, có hiệu quả giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước với giám sát xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

 

 

 

 

 

 

 

                    

 

 

Bảo Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra