UBND thành phố Đà Nẵng:

Đề nghị tăng thêm thời hạn giải quyết khiếu nại

Thứ sáu, 22/04/2022 11:09
(ThanhtraVietNam) - Luật Khiếu nại quy định, thời hạn giải quyết khiếu nại (KN) lần đầu là 30 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Từ thực tế giải quyết KN trong những năm qua, UBND thành phố Đà Nẵng nhận thấy, thời hạn giải quyết KN nêu trên đối với các vụ việc phức tạp là quá ngắn. Do đó, đề nghị tăng thêm thời hạn giải quyết KN cho phù hợp.

Cần quy định thêm các trường hợp đình chỉ giải quyết khiếu nại

Những năm qua, phần lớn các nội dung KN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều liên quan đến đất đai. Nguyên nhân chính là do việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, còn bất cập, chưa đồng bộ để làm cơ sở cho việc xem xét giải quyết KN... Trong đó, có các quy định của Nhà nước về đền bù, tái định cư, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất còn có những điểm chưa hợp lý.

Mặc dù, hàng năm UBND Thành phố đều ban hành các quy định mới về giá đất, giá đền bù thiệt hại về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, bố trí đất tái định cư để phù hợp với tình hình thực tế nhưng công dân vẫn thường xuyên KN trong lĩnh vực này.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã thực hiện nghiêm túc pháp luật về KN. Theo đó, đã tổ chức tiếp công dân liên quan đến các dự án để kịp thời giải quyết các vướng mắc tại cơ sở nhằm hạn chế đơn KN phát sinh, vượt cấp; tập trung giải quyết tốt các vụ việc KN thuộc thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót, nhằm đưa công tác này đi vào nề nếp.

Đơn KN thuộc thẩm quyền được các cấp, các ngành tập trung giải quyết ngay thông qua việc tiếp công dân, tổ chức đối thoại và hòa giải ngay ở cơ sở hoặc ban hành quyết định giải quyết theo quy định. Trong quá trình giải quyết KN, quyền, nghĩa vụ của người KN, người bị KN, luật sư, trợ giúp viên pháp lý luôn được cơ quan thẩm tra, xác minh và người có thẩm quyền giải quyết KN đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Việc giải quyết KN đảm bảo kịp thời, công khai, dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của công dân, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đối với những vụ việc KN có tính chất phức tạp đều được đưa ra họp các ngành để tư vấn, xem xét giải quyết. Quyết định giải quyết KN được gửi đến người KN, người bị KN và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời cho đăng tải trên cổng Thông tin điện tử Thành phố và của các cơ quan tham mưu để tiện cho việc tra cứu của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

leftcenterrightdel

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tiếp công dân định kỳ tháng 11/2021. (Ảnh internet) 

Việc tổ chức đối thoại với công dân khi giải quyết KN được cơ quan thẩm tra, xác minh và người có thẩm quyền giải quyết KN thực hiện theo đúng quy định. Qua đối thoại, có nhiều trường hợp người KN nhận thức được cách giải quyết đúng đắn, có lý, có tình của cơ quan có thẩm quyền nên đã rút đơn và chấm dứt KN, điều này đã góp phần hạn chế tình hình KN trên địa bàn.

Đáng chú ý, UBND Thành phố thường xuyên chỉ đạo cơ quan Thanh tra Thành phố phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện trong việc rà soát, giải quyết các vụ việc KN tồn đọng, kéo dài, phức tạp theo đúng quy định và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc vận động các hộ dân KN ở Hà Nội về lại địa phương nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị tại Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, theo UBND thành phố Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện pháp luật về KN đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cụ thể, thời hiệu KN quyết định hành chính (trong đó có việc khởi kiện tại Tòa án) theo quy định tại Điều 9 của Luật Khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong khi, thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính. Do đó, chưa có sự thống nhất về thời hiệu KN và thời hiệu khởi kiện giữa Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính.   

Về thời hạn giải quyết, theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại thì thời hạn giải quyết KN lần đầu là 30 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, thời hạn này là quá ngắn so với các công việc phải thực hiện trong quá trình thẩm tra, xác minh nội dung KN, như: Thu thập hồ sơ, làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan, giám định chữ ký... đặc biệt là đối với các địa phương có địa bàn rộng, đi lại khó khăn. Do đó, nhiều vụ việc bị vi phạm về mặt thời gian.

Theo quy định, chỉ duy nhất trường hợp đình chỉ việc giải quyết KN khi người KN có đơn rút KN. Tuy nhiên, thực tế còn phát sinh các trường hợp khách quan khác cần tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết KN, như: Người KN là cá nhân đã chết mà quyền và nghĩa vụ của họ chưa được hoặc không được thừa kế; người KN đã được triệu tập đến lần thứ ba mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng; người KN có hành vi trốn tránh cơ quan có thẩm quyền giải quyết KN, người KN mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, Luật cần quy định cụ thể việc xử lý các trường hợp này.

Từ những bất cập nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị một số nội dung. Đề nghị quy định thống nhất về thời hiệu KN và thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trong Luật KN và Luật Tố tụng hành chính.

Mặt khác, bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết KN khi các cơ quan chức năng đã nhiều lần mời nguời KN (từ 03 lần trở lên) đến để làm rõ nội dung KN và đề nghị cung cấp hồ sơ có liên quan nhưng người KN không đến; người KN là cá nhân đã chết mà quyền và nghĩa vụ của họ chưa được hoặc không được thừa kế, người khiếu nại mất năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện theo pháp luật...

Ngoài ra, đề nghị tăng thêm thời hạn giải quyết KN cho phù hợp để các cơ quan chức năng có thời gian thẩm tra xác minh KN và tổ chức đối thoại, đặc biệt đối với KN phức tạp, để khắc phục tình trạng vi phạm về thời gian trong giải quyết KN như hiện nay.

Quy định xử phạt đối tượng lợi dụng quyền KNTC để gây rối an ninh trật tự

Cùng với công tác KN, việc thực hiện về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo trong những năm qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều đảm bảo các quy định của Luật Tố cáo.

Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Sau khi kết luận nội dung tố cáo đều có thông báo kết quả giải quyết tố cáo đến người tố cáo. Tuy nhiên, qua thẩm tra, xác minh cho thấy hầu hết các nội dung tố cáo cán bộ làm trái các quy định của Nhà nước, gây thiệt hại cho công dân đều sai, suy diễn không có căn cứ. Hoặc do công dân không đồng ý với kết quả giải quyết KN nên chuyển sang tố cáo cán bộ, công chức có liên quan. Trong quá trình giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan, người được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh luôn thận trọng, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa người tố cáo và người bị tố cáo.

Thực tế, có trường hợp công dân lợi dụng việc tố cáo để cung cấp những thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của cán bộ, công chức. Vì vậy, UBND thành phố  Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KN, tố cáo làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các đối tượng lợi dụng quyền KN, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước./.

 

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra