Thanh tra tỉnh Lạng Sơn:

Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng

Thứ năm, 02/06/2022 09:06
(ThanhtraVietNam) - Dù đã chuyển 9 vụ việc qua cơ quan điều tra để xử lý theo quy định, nhưng Thanh tra tỉnh Lạng Sơn vẫn cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Từ thực tiễn công tác của Ngành, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã đề ra 7 giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Khắc phục hạn chế, thiếu sót sau thanh tra, kiểm tra còn chậm

Báo cáo tình hình, kết quả việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (giai đoạn từ 1/1/2011 - 31/12/2021) của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn cho thấy, công tác tự kiểm tra, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh này còn hạn chế; việc phát hiện hành vi tham nhũng chủ yếu khi cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, điều tra mới phát hiện.

Việc tổ chức thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chưa kịp thời.

Một số cuộc thanh tra tiến độ còn kéo dài, kết luận, kiến nghị xử lý còn chung chung, chất lượng chưa sâu, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy được hiệu quả quản lý nhà nước qua thanh tra; có kết luận thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc; việc khắc phục hạn chế, thiếu sót sau thanh tra, kiểm tra còn chậm.

Phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự chưa chặt chẽ, chưa kịp thời.

Giai đoạn 2011 - 2021, ngành Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự sang cơ quan điều tra Công an tỉnh, Công an huyện để điều tra, khởi tố. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố đối với 7 vụ; 2 vụ do Thanh tra huyện Lộc Bình phát hiện qua thanh tra đang được xác minh, làm rõ (số liệu đến thời điểm đầu tháng 5/2022).

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn cho rằng, những hạn chế trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan như, hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay càng tinh vi hơn; chính sách pháp luật thực thi vẫn còn có bất cập. Cơ chế khuyến khích, bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được ban hành nhưng chưa phát huy hiệu quả; đơn thư tố giác chủ yếu là nặc danh dẫn đến việc xác minh, thu thập chứng cứ tài liệu gặp khó khăn.

Công chức làm công tác thanh tra, PCTN ở cấp huyện, cấp sở thường xuyên có biến động đẫn đến người mới thiếu kinh nghiệm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện kế hoạch của các đoàn thanh tra bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đạt.

Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, PCTN, tiêu cực của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị thiếu chủ động, thiếu quyết liệt; chưa phát huy hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong đấu tranh PCTN.

Công tác kiểm tra, giám sát về lĩnh vực PCTN, tiêu cực hiệu quả chưa cao; trình độ năng lực của một số cán bộ làm nhiệm vụ PCTN còn hạn chế. Có cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm pháp luật.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập tin tức về PCTN, tiêu cực

Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã đề ra 7 giải pháp sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, lãng phí, tiêu cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở liêm chính, có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; kiểm tra giám sát, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.

Hai là, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị nhất là các cơ quan tư pháp tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các luật, văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng, PCTN, lãng phí, tiêu cực; tích cực phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý tin tức, tài liệu về PCTN, tiêu cực, nhất là những phản ánh, tố giác từ quần chúng nhân dân và đảng viên tại cơ sở; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát chặt chẽ sự hình thành, dịch chuyển sở hữu của những khối tài sản lớn.

Ba là, thực hiện tốt các Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan; tăng cường trao đổi thông tin, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc các vụ việc có tính chất phức tạp qua giải quyết đơn thư, thanh tra, cần trao đổi kịp thời để thống nhất quan điểm xử lý, tránh để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực thi nhiệm vụ của công chức tham gia các đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN, tiêu cực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức cơ sở làm công tác thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng hoặc dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm toán; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường vai trò giám sát trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực; có biện pháp bảo vệ an toàn, kịp thời biểu dương, khen thưởng người dũng cảm tố cáo, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa tổ chức đảng các đoàn thể quần chúng và chính quyền cơ sở trong đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Sáu là, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện có hiệu quả quản lý hành chính nhà nước thông qua việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên internet.

Bảy là, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ thông tin báo cáo theo quy định; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để phục vụ tốt công tác nắm tình hình và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra