Hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp

Thứ ba, 22/03/2022 10:45
(ThanhtraVietNam) - Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội điện tử, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp trở nên vô cùng cấp bách và thiết yếu.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, chúng ta có điều kiện để đi tắt đón đầu, áp dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin vào hoạt động của tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung cũng như hoạt động lập pháp nói riêng. Ứng dụng công nghệ thông tin là một công cụ hỗ trợ đắc lực giúp cho tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị tham gia vào hoạt động lập pháp, cụ thể là các thành viên của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể giải quyết được nhiều công việc hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt, công nghệ thông tin có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu thời gian trong giai đoạn thẩm tra, xin ý kiến các luật, pháp lệnh. Các phần mềm hiện đại sẽ giúp việc thống kê, đưa ra các số liệu, tỷ lệ phần trăm chính xác, cụ thể, rút ngắn thời gian tập hợp, xử lý số liệu một cách đáng kể. Với việc áp dụng phần mềm hiện đại, những sản phẩm tối tân của công nghệ thông tin hiện nay, các đại biểu Quốc hội có thể tra cứu, nghiên cứu vấn đề mình quan tâm một cách đơn giản ở mọi lúc, mọi nơi với lượng thông tin tra cứu, tham khảo rất nhiều và mở.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, công nghệ thông tin cũng tạo ra mối nguy cơ tương đối lớn về sự mất an toàn thông tin. Vì thế, để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động lập pháp được tiến hành một cách toàn diện và đầy đủ, chúng ta phải có một hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo cả hai chiều: Áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, phù hợp nhất vào từng giai đoạn cụ thể của hoạt động lập pháp, đồng thời vẫn phải đảm bảo tính an ninh, an toàn về thông tin.

Thực trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp

Thứ nhất, ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn soạn thảo, chuẩn bị dự án:

Trên thực tế, các dự án luật phần lớn được giao cho các cơ quan của Chính phủ (các bộ, cơ quan ngang bộ) soạn thảo, trong đó, một số trường hợp được giao cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội soạn thảo. Đối với một số dự án luật có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì tùy theo tính chất và phạm vi điều chỉnh của các dự án đó mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ sẽ quyết định thành lập ban soạn thảo gồm nhiều cơ quan nhà nước có liên quan. Các dự án luật do Chính phủ trình Quốc hội phải được Chính phủ thảo luận tập thể và quyết định theo đa số; dự án luật do Tòa án nhân dân tối cao trình phải được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo luận tập thể và quyết định theo đa số; dự án luật do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình phải được Ủy ban kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thảo luận tập thể và quyết định theo đa số; dự án luật do Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trình thì việc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số được thực hiện theo quy định điều lệ của các tổ chức đó.

leftcenterrightdel

Ảnh minh họa

Như vậy, theo quy định hiện nay, do đối tượng được phép trình dự án luật đã được mở rộng rất nhiều so với các giai đoạn trước, số lượng thành phần tham gia giai đoạn soạn thảo, chuẩn bị dự án cũng tăng lên. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, xem xét các luật đã được ban hành, các luật tương tự trong khu vực và trên thế giới… trở nên hết sức cấp thiết.

Năm 2012, Văn phòng Quốc hội đã giới thiệu và ra mắt website "Dự thảo online". Có thể nói, đây là một dấu ấn quan trọng trong việc sử dụng công nghệ thông tin theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào quy trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh. Ý kiến đóng góp của người dân và chuyên gia đăng tải trên website cũng sẽ được tổng hợp và gửi đến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, phục vụ cho việc chỉnh lý và hoàn thiện dự án. Từ đó, Quốc hội có thêm một kênh thông tin để nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của người dân tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực thi pháp luật của Nhà nước. Website “Dự thảo online” này ra đời đã tạo ra một kênh thông tin hai chiều để gắn kết các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với cử tri và là phương tiện hữu hiệu để người dân có thể tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Website “Dự thảo online” còn là một kho dữ liệu phong phú, đầy đủ và chính thống với các nhà nghiên cứu.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn thẩm tra:

Hiện nay, công tác thẩm tra dự án luật của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ngày càng được tổ chức theo chiều sâu. Việc thẩm tra đã góp phần bảo đảm tính có căn cứ, tính khoa học, tính cần thiết, tính khả thi, tính phù hợp với thực tiễn, các quy luật khách quan của dự án luật. Việc cân nhắc, xem xét một cách thận trọng tất cả các ý kiến khác nhau trong quá trình thẩm tra dự án đã làm cho hoạt động thẩm tra ngày càng phong phú, khoa học, chặt chẽ và toàn diện hơn. Trên thực tế, công nghệ thông tin đã được ứng dụng hiệu quả trong giai đoạn này của hoạt động lập pháp.

Thứ ba, giai đoạn cho ý kiến trước khi trình Quốc hội:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể duy nhất cho ý kiến đối với các dự án luật trước khi trình Quốc hội. Trong giai đoạn này, công nghệ thông tin cũng đã được ứng dụng trong việc tập hợp các ý kiến trong những buổi thảo luận, tranh luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như việc tiếp nhận giải trình, tiếp thu của cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra. Việc trao đổi các văn bản, ý kiến sử dụng công nghệ thông tin giúp thời gian thực hiện giai đoạn này được rút ngắn lại. Đồng thời, việc trao đổi, phản hồi cũng trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn. Đặc biệt, công nghệ thông tin giúp việc điều chỉnh, sửa chữa các dự án luật cũng trở nên chính xác và dễ dàng hơn.

Thứ tư, trình dự án luật tại kỳ họp Quốc hội:

Trong Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội hỗ trợ đại biểu thực hiện hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động. Cụ thể, thông qua phần mềm hỗ trợ, đại biểu Quốc hội không phải mang theo nhiều tài liệu, dự thảo mà có thể dễ dàng truy cập trên thiết bị cầm tay cá nhân. Phần mềm không chỉ cung cấp hồ sơ dự án luật mà còn hỗ trợ đại biểu Quốc hội tra cứu thông tin tham khảo, lịch sử lập pháp, kinh nghiệm quốc tế có liên quan đến dự án luật đang được bàn thảo, yêu cầu hỗ trợ tức thì.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội đối với các phương án khác nhau trong dự thảo luật bằng hệ thống điện tử để tiện theo dõi, thống kê. Đây là kỳ họp đầu tiên chính thức áp dụng công nghệ thông tin, mỗi đại biểu sẽ được phát một máy tính bảng cài sẵn phần mềm rất thuận tiện trong việc xem tài liệu bao gồm chương trình kỳ họp, các thông báo, tổng hợp thông tin báo chí, ý kiến cử tri… để phục vụ công tác của các đại biểu có thể sử dụng trong hội trường hoặc mang theo làm việc bên ngoài. Với phần mềm mới, các đại biểu Quốc hội có thể xem tài liệu ở bất cứ đâu. Khi vào Hội trường, máy tính cá nhân của các đại biểu sẽ được cài đặt mạng nội bộ để sử dụng mạng phục vụ hoạt động tra cứu tất cả tài liệu, trừ tài liệu mật. Trong trường hợp Quốc hội họp riêng về nhân sự hay các vấn đề bí mật quốc gia, tài liệu mật được phát hành dưới dạng văn bản giấy. Không chỉ cung cấp tài liệu cho đại biểu một cách nhanh chóng, phần mềm còn giúp tương tác giữa các đại biểu được tốt hơn và tiếp nhận thông tin từ báo chí linh hoạt hơn. Chức năng tìm kiếm cũng được cải thiện một cách rõ rệt. Ngoài ra, phần mềm còn hỗ trợ rất nhiều cho các đại biểu trong hoạt động lập pháp, từ khâu soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đến tích hợp ý kiến đóng góp của chuyên gia và có sự đối chiếu với luật của một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ thuận tiện cho Quốc hội theo dõi, bóc băng các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, giúp cho các đại biểu Quốc hội nhanh chóng nắm bắt và lưu trữ toàn bộ nội dung của kỳ họp, Quốc hội đã ứng dụng, sử dụng phần mềm chuyển đổi giọng nói sang văn bản.

Có thể thấy, với việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ cho mọi hoạt động của Quốc hội, xây dựng Quốc hội điện tử hướng đến thực hiện các cuộc họp không giấy tờ cho thấy quyết tâm đổi mới của cả hệ thống chính trị, của những người đứng đầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động. Chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ và cập nhật liên tục để có thể tra cứu, tập hợp văn bản, chưa có phần mềm hữu hiệu trợ giúp cho hoạt động nghiệp vụ trong công tác rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật. Đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện các khâu của hoạt động lập pháp chưa được đào tạo đầy đủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; nhận thức của các cấp, các ngành chưa cao đối với tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Do đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu những giải pháp nhằm áp dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay.

Một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay

Hệ thống Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thư viện của Viện Nghiên cứu Lập pháp được phát triển theo hướng cổng thông tin đa dịch vụ (portal) trên một công nghệ nền hợp nhất (unified platform). Việc phát triển trên công nghệ nền tuy đòi hỏi đầu tư ban đầu cao hơn so với mô hình phần mềm website thông thường nhưng sẽ giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài vì dễ dàng tích hợp được tất cả dịch vụ phát sinh trong tương lai sau này với chi phí thấp.

Xây dựng một công nghệ nền hợp nhất cho Cổng thông tin điện tử là định hướng chung về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của Viện Nghiên cứu Lập pháp. Công nghệ nền này phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu sau: Độ bảo mật cao; quản lý người dùng mạnh mẽ; tính ổn định, đáp ứng được lượng truy cập lớn; tính mở bảo đảm có thể phát triển thêm các ứng dụng với bất kỳ công ty nào, không lệ thuộc vào một công ty nào đó đã phát triển giải pháp lúc đầu tiên. Mô hình này cho phép có thể chọn được các đối tác phát triển kỹ thuật khác nhau để có được sản phẩm/giải pháp tối ưu nhất. Giải pháp phải có các cơ chế sao lưu phục hồi khi hệ thống có lỗi để tránh việc mất mát dữ liệu của trang thông tin điện tử...

Để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp, chúng ta cần xem xét từ những quy trình, giai đoạn cụ thể, đặc biệt là hoạt động của Quốc hội.

Thứ nhất, chúng ta cần xây dựng mô hình hoạt động của kho dữ liệu khai thác trong việc phục vụ công tác lập pháp. Với sự phát triển của công nghệ phân cấp hệ thống lưu trữ (tiered storage), các tổ chức càng ngày càng chấp nhận công nghệ phân cấp lưu trữ trong tổ chức để đảm bảo hiệu năng hoạt động, tốc độ tăng trưởng dữ liệu cao trong khi vẫn đảm bảo được chi phí giá thành.

Thứ hai, bảo đảm cơ sở hạ tầng và nguồn lực để triển khai. Trong đó, cơ sở hạ tầng là điều kiện cần để triển khai bất kỳ một hệ thống thông tin nào. Chính vì vậy, để đảm bảo quá trình triển khai ứng dụng điện toán đám mây được thành công và đạt hiệu quả cao, cần chú trọng kịp thời đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu triển khai ứng dụng.

Thứ ba, bảo đảm kinh phí đầu tư cho triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Việc đầu tư sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả, tránh lãnh phí, lựa chọn những công nghệ mới phù hợp với đặc thù của Viện Nghiên cứu Lập pháp nói riêng và các cơ quan lập pháp nói chung.

Thứ tư, cần có cơ chế, chính sách, các quy chế quản lý có liên quan và lộ trình triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, hàng năm coi việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra sự phối hợp giữa các ngành, các cấp là rất quan trọng.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, đặc biệt là trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước đã trở thành một đòi hỏi tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, là mô hình được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với tốc độ phát triển nhanh và lợi ích mang lại rất lớn, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, thực hiện các công việc của lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như phổ biến pháp luật không nằm ngoài bối cảnh chung đó./.

Ths. Nguyễn Xuân Sơn

Trưởng phòng Quản trị - Tin học

 Viện Nghiên cứu lập pháp

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra