Hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp

Thứ ba, 30/08/2022 10:05
(ThanhtraVietNam) - Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là một hình thức đấu giá mới được quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Trong thời gian qua, các tổ chức đấu giá tài sản tại nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai hình thức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp (chủ yếu đối với tài sản đấu giá là đất đai) và đã đem lại một số hiệu quả tích cực như: Bảo mật thông tin cho người tham gia đấu giá; an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá được đảm bảo; khắc phục được tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” gây náo loạn tại các địa điểm tổ chức đấu giá; người dân thực sự có nhu cầu đã mua được tài sản mình cần, giảm thất thoát giá trị tài sản đấu giá; tăng tỷ lệ giá bán so với giá khởi điểm, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; việc đấu giá được tổ chức đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả hơn đấu giá trực tiếp, tạo lòng tin cho người dân, đảm bảo công bằng, khách quan trong việc tổ chức đấu giá tài sản.

Mặc dù đã phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động đấu giá tài sản nhưng một số quy định về hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá tài sản trong quá trình thực hiện. Qua thực tiễn công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu giá tài sản của Sở Tư pháp, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên tục nhận được nhiều phản ánh, vướng mắc từ các tổ chức đấu giá tài sản về các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, cụ thể là:

Thứ nhất, không có quy định về mẫu phiếu trả giá cũng như cách thức niêm phong thùng phiếu đã gây lúng túng, khó khăn cũng như sự tuỳ tiện cho các tổ chức đấu giá tài sản trong quá trình thực hiện. Hiện nay, tại khoản 2 Điều 43 Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định: “Phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được bọc bằng chất liệu bảo mật, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu. Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu phải được niêm phong khi hết thời hạn nhận phiếu”. Tuy nhiên, mẫu phiếu trả giá và cách thức thực hiện việc niêm phong thùng phiếu như thế nào lại không có quy định cụ thể, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu. Có đơn vị quy định nội dung phiếu trả giá rất cụ thể, trong đó quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể cách thức ghi phiếu trả giá, cách thức nộp phiếu trả giá để người tham gia đấu giá dễ nắm bắt, thực hiện, nhưng có đơn vị thì nội dung phiếu trả giá sơ sài, chỉ có vài nội dung về thông tin người tham gia đấu giá, thông tin về tài sản đấu giá, số tiền trả giá...

leftcenterrightdel

Bổ sung các quy định xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản để không bị khiếu nại từ người tham gia đấu giá. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Tương tự như vậy, đối với việc niêm phong thùng phiếu cũng không có quy định trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể, dẫn đến có đơn vị thực hiện rất chặt chẽ, lập biên bản niêm phong thùng phiếu, mời người có tài sản đấu giá, đại diện một số người đăng ký tham gia đấu giá chứng kiến, ký tên vào biên bản niêm phong, ký tên vào giấy niêm phong dán trên miệng thùng phiếu để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, có đơn vị chỉ thực hiện niêm phong bằng cách tự dán giấy có đóng dấu của tổ chức mình tại miệng thùng phiếu khi hết thời hạn nhận phiếu mà chẳng có khách mời nào chứng kiến việc niêm phong. Chính vì thiếu những quy định cụ thể này nên dẫn đến một số trường hợp phải tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá vì người tham gia buổi công bố giá có khiếu nại, không đồng ý với việc niêm phong thùng phiếu mà không có chữ ký của người đăng ký tham gia đấu giá trên các giấy niêm phong thùng phiếu vì người này cho rằng đã từng tham gia đấu giá tại tổ chức đấu giá khác và họ được mời chứng kiến, ký tên trên giấy niêm phong thùng phiếu. Trong trường hợp này, các tổ chức đấu giá không làm trái quy định của Luật Đấu giá tài sản khi chỉ thực hiện niêm phong thùng phiếu bằng cách dán giấy có đóng dấu của tổ chức mình tại miệng thùng phiếu vì pháp luật về đấu giá tài sản không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục niêm phong thùng phiếu, nhưng việc người tham gia buổi công bố giá có khiếu nại, phản ánh về việc thùng phiếu chỉ được niêm phong bằng cách chỉ dán giấy có đóng dấu của tổ chức đấu giá tài sản là sơ sài, chưa đảm bảo tính bảo mật của thùng phiếu cũng phần nào có cơ sở. Đây là một vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để thống nhất trong cách thực hiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ trong việc bảo mật thùng phiếu, tránh những khiếu nại, phản ánh từ người tham gia đấu giá.

Thứ hai, vướng mắc trong việc quy định thời hạn nộp phiếu trả giá, theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Đấu giá tài sản thì: “Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá được nhận phiếu trả giá, hướng dẫn về cách ghi phiếu, thời hạn nộp phiếu trả giá và buổi công bố giá”. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về thời hạn nộp phiếu trả giá. Trên thực tế, một số đơn vị quy định thời hạn nộp phiếu trả giá kết thúc trước thời hạn nộp tiền đặt trước (tiền đặt cọc), một số đơn vị lại quy định thời hạn nộp phiếu trả giá kết thúc cùng với thời hạn nộp tiền đặt trước. Vậy, việc quy định về thời hạn nộp phiếu trả giá sẽ được thực hiện như thế nào, nếu chưa nộp tiền đặt trước thì có được nộp phiếu trả giá không và việc nộp phiếu trả giá như vậy có được xem là hợp lệ hay không? Đối chiếu với các quy định có liên quan về điều kiện tham gia đấu giá, có thể thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản thì: “Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan…”. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản không quy định, giải thích hồ sơ tham gia đấu giá bao gồm những giấy tờ, văn bản nào, có bao gồm phiếu trả giá trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp hay không. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản thì: “Tổ chức đấu giá tài sản… tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày” và theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản thì: “Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức đấu giá tài sản và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá...”. Từ các quy định của Luật Đấu giá tài sản nói trên có thể thấy, trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp thì người tham gia đấu giá phải tuân thủ nhiều cột mốc về thời gian khác nhau để đảm bảo việc tham gia đấu giá của mình là hợp lệ, đó là thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền đặt trước, thời hạn nộp phiếu trả giá, thời gian tham dự buổi công bố giá. Mặt khác, vì Luật Đấu giá tài sản không quy định về thời hạn nộp phiếu trả giá, do đó, nếu người đăng ký tham gia đấu giá nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, nộp phiếu trả giá và sau đó mới thực hiện việc nộp tiền đặt trước vẫn đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đấu giá tài sản, miễn sao phải tuân thủ đúng thời hạn nộp phiếu trả giá do tổ chức đấu giá đã đề ra. Tuy nhiên, điều này có thể đem lại nhiều hệ luỵ xấu khi không có ràng buộc trách nhiệm nộp tiền đặt trước với quyền nộp phiếu trả giá của người tham gia đấu giá. Có nghĩa rằng, nếu thực sự có nhu cầu tham gia đấu giá thì phải nộp tiền đặt trước rồi mới có quyền nộp phiếu trả giá. Đây là một vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá cũng như loại bỏ các trường hợp bỏ phiếu tham gia đấu giá không hợp lệ ngay từ đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đấu giá tài sản trong việc tổ chức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp.

Thứ ba, vướng mắc trong việc xử lý tiền đặt trước khi tiến hành đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp. Tại điểm a khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng”. Như vậy, phải chăng pháp luật hiện hành chưa dự liệu đến trường hợp tổ chức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp sẽ có việc người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước và tham gia buổi công bố giá nhưng không nộp phiếu trả giá thì có được coi là không tham gia cuộc đấu giá hay không và có không được nhận lại tiền đặt trước theo quy định trên hay không? Các tổ chức đấu giá tài sản sẽ phải xử lý như thế nào đối với tình huống này để đảm bảo đúng quy định pháp luật và không gặp phải khiếu nại từ người tham gia đấu giá? Trong trường hợp này, nếu tiền đặt trước không bị xử lý thì sẽ tạo kẽ hở cho việc thông đồng, dìm giá tài sản. Các đối tượng “cò đấu giá” sẽ cố ý không bỏ phiếu trả giá hoặc có thể “đe doạ” những khách hàng khác không cho nộp phiếu trả giá để có thể dàn xếp việc trúng đấu giá. Thiết nghĩ đây cũng là một vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung ngay để có cơ chế xử lý những trường hợp này phát sinh trong quá trình tổ chức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp.

Từ một số vướng mắc, bất cập nói trên có thể thấy, để hoạt động đấu giá tài sản tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới, theo tác giả, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đấu giá, trong đó bổ sung đầy đủ hơn các quy định đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp làm cơ sở để các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cũng như là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra quy trình tổ chức thực hiện việc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, yêu cầu các tổ chức đấu giá tài sản ngoài việc tuân theo những trình tự, thủ tục chung đối với một cuộc đấu giá tài sản thì còn phải tuân theo các quy định riêng đối với hình thức đấu giá tài sản bằng bỏ phiếu gián tiếp, cụ thể như sau:

Một là, quy định về mẫu phiếu trả giá và thủ tục, trình tự niêm phong thùng phiếu trả giá. Thiết nghĩ đây là những quy định về hình thức rất quan trọng trong việc tổ chức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp. Việc quy định một mẫu phiếu trả giá chung, thống nhất cũng như một quy trình, thủ tục niêm phong thùng phiếu bắt buộc sẽ giúp các tổ chức đấu giá tài sản dễ dàng, thuận tiện hơn trong công tác tổ chức đấu giá tài sản, tránh việc tuỳ tiện trong quá trình thực hiện, tránh những tiêu cực, khiếu nại có thể phát sinh, đảm bảo tính bảo mật, khách quan, minh bạch, tạo sự tin tưởng từ những người tham gia đấu giá.

Hai là, quy định cụ thể về thời hạn nộp phiếu trả giá như quy định về thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và thời hạn nộp tiền đặt trước, cụ thể theo hướng gắn quyền nộp phiếu trả giá của người tham gia đấu giá với nghĩa vụ nộp tiền đặt trước của người tham gia đấu giá, có nghĩa người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước thì mới có quyền nộp phiếu trả giá để tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, tránh việc nộp phiếu trả giá “cho vui”.

Ba là, bổ sung các quy định để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản, nhất là các quy định về xử lý tiền đặt trước của người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước và tham gia buổi công bố giá nhưng không nộp phiếu trả giá theo hướng không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp này. Đây là quy định cần thiết để các tổ chức đấu giá tài sản có cơ sở xử lý đúng quy định pháp luật và không bị khiếu nại từ người tham gia đấu giá cũng như là biện pháp xử lý phù hợp đối với những đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thông đồng, sắp xếp kết quả của cuộc đấu giá./.


Vũ Thị Minh Ngân
Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra