Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất qua thanh tra, xử lý vi phạm đất đai ở Việt Nam

Thứ sáu, 19/08/2022 15:10
(ThanhtraVietNam) - Kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất qua công tác thanh tra, xử lý vi phạm đất đai đang trở thành “công cụ” kiểm soát hữu hiệu nhất. Không chỉ vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm soát quyền lực thì vai trò và trách nhiệm của cơ quan Thanh tra cần phải được nâng cao. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm đất đai sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất, tránh xảy ra những sai phạm trong quá trình thu hồi đất. Đồng thời, chỉ ra và đánh giá những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực thi quyền lực của cơ quan Thanh tra.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoạt động xử lý vi phạm đất đai đối với việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất

Công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm góp phần phòng ngừa, phòng chống và xử lý tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Các hành vi sai phạm trong hoạt động thu hồi đất cần phải được xử lý nghiêm minh, đúng với tính chất và mức độ của hành vi gây ra. Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai cũng tạo cơ sở quan trọng trong việc hoạt động kiểm soát quyền lực diễn ra nhanh chóng, đúng pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân. Người dân có thể thông qua cơ quan thanh tra để thực hiện quyền làm chủ của mình, đồng thời cũng thông qua cơ quan thanh tra để thực hiện giải quyết các KNTC của bản thân đối với hoạt động thu hồi đất của các cơ quan quyền lực khác. Trong thời gian qua, xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến đất đai như dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại 69 Nguyễn Du (Hà Nội), Khu đô thị mới Thủ Thiêm và bán đảo Sơn Trà... Các cơ quan thanh tra đóng vai trò quan trọng trong công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về KNTC của các cơ quan nhà nước, xem xét, giải quyết KNTC theo quy định.

Ngoài ra, để thực hiện tốt hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC của người dân thì quá trình thanh tra trách nhiệm đối với các cán bộ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC cần phải được thực hiện thường xuyên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra chính chủ thể giải quyết KNTC sẽ tác động trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước. Bởi, đối với các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thì khả năng lạm dụng quyền lực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân có đất là rất lớn. Chính vì thế, việc giải quyết KNTC là con đường gần nhất giúp kiểm soát quyền lực từ phía người dân.

Vi phạm đất đai là những hành vi thực hiện trái với quy định pháp luật về đất đai do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Những hành vi này xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Chính vì thế, trong hoạt động thu hồi đất thì việc xảy ra vi phạm là tương đối cao do đất đai thường có giá trị lớn. Chính vì thế, quá trình kiểm soát quyền lực đối với hoạt động thu hồi đất thông qua quy trình xử lý vi phạm đất đai của cơ quan thanh tra được đánh giá cao trong quá trình thực hiện. Việc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai vừa có ý nghĩa ngăn chặn, răn đe những hành vi vi phạm khác vừa đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân có đất.

Điều 39 Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã quy định thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về hoạt động xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Chính vì vậy, chủ thể của việc xử lý vi phạm đất đai cũng được trao cho cơ quan thanh tra, thanh tra chuyên ngành. Không chỉ vậy, trong thời gian gần đây, Thanh tra Chính phủ cũng thường xuyên phát hiện và xử lý những sai phạm trong quá trình thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cưỡng chế giải phóng mặt bằng...

Kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất lựa chọn hoạt động của thanh tra là công cụ để kiểm soát quyền lực. Hoạt động của cơ quan thanh tra chủ yếu thông qua quá trình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đất đai để phòng ngừa, răn đe, xử lý những chủ thể khác thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền mà mình được giao. Từ đó, góp phần đảm bảo thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể yếu thế. Chính vì thế, cơ quan thanh tra phải gương mẫu trong việc thực hiện pháp luật, đảm bảo hoạt động thanh tra diễn ra đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Các cán bộ cơ quan thanh tra phải là những chủ thể thượng tôn pháp luật, trong sạch, gương mẫu. Từ đó, cơ quan thanh tra chỉ cần hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì cũng góp phần vào quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi của hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm đất đai đối với hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất

Có thể thấy rằng, việc kiểm soát quyền lực nhà nước là một trong những vấn đề mang tính cấp thiết trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc kiểm soát quyền lực luôn được đặt lên hàng đầu. Không chỉ vậy, việc kiểm soát quyền lực cần phải được thực hiện đồng bộ, dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm tạo ra sự thống nhất trong cơ chế kiểm soát quyền lực. Chính vì thế, lĩnh vực đất đai, nhất là trong quá trình thu hồi đất thì việc kiểm soát quyền lực luôn được quan tâm hàng đầu. Kiểm soát quyền lực trong hoạt động thu hồi đất cần phải được kiểm soát từ bên trong, từ ngay trong cơ chế quản lý và thực hiện thu hồi đất. Chính vì thế, việc kiểm soát quyền lực nhà nước cần phải có một công cụ hỗ trợ đắc lực - cơ quan thanh tra. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, thu hồi đất sẽ đảm bảo có sự kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan thanh tra là chủ thể không thể thiếu trong các hoạt động kiểm soát quyền lực của nhà nước. Vì vậy, cần phải có những giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm đất đai đối với hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất.

Thứ nhất, để việc áp dụng cũng như xác định trách nhiệm dễ dàng và thuận tiện hơn cần có quy định về phân biệt hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay, cả trong quy định của pháp luật cũng như trên thực tiễn triển khai các quy định của pháp luật đều chưa có sự phân biệt rành mạch giữa hai hoạt động này. Đối với các vụ việc có sự kết hợp giữa cả thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành thì phải xác định rõ giai đoạn nào thì cơ quan có thẩm quyền thanh tra.

Thứ hai, các kết luận của thanh tra phải đầy đủ, toàn diện dựa trên các căn cứ sau khi thanh tra, kiểm tra thực tế so sánh, đối chiếu với quy định pháp luật. Từ đó, mỗi vụ việc trong kết luận thanh tra phải thấy được mức độ vi phạm, tính chất, nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm. Phải coi kết luận thanh tra là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của cuộc thanh tra.

leftcenterrightdel
Những hành vi vi phạm đất đai xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức khác (Ảnh: Internet)

Thứ ba, tăng cường nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho các cán bộ thực thi pháp luật, sắp xếp, bố trí các cán bộ có kinh nghiệm, năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ để thực hiện các vụ việc phức tạp.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nhiệm vụ của hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai. Đồng thời, cần phải coi vấn đề về thu hồi đất là một trong những hoạt động cần phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên trong hoạt động của mình. Cần đưa thu hồi đất nằm trong định hướng thanh tra hàng năm và cần phải tập trung vào những hoạt động đó. Bởi, đây là hoạt động thường xảy ra tình trạng lạm quyền hoặc lợi dụng quyền lực để thực hiện tham nhũng hoặc “lợi ích nhóm”. Vì vậy, cần tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất với những hoạt động của cơ quan nhà nước khi thực hiện việc thu hồi đất.

Thứ năm, trên cơ sở nằm trong định hướng chương trình thanh tra của mình, Thanh tra Chính phủ cần phải có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về kế hoạch thanh tra đối với các cơ quan có liên quan đến hoạt động này. Đồng thời, cần phải xác định rõ mục tiêu của hoạt động thanh tra trong quá trình thu hồi đất. Bởi, nếu chỉ nằm trong định hướng chương trình rất có khả năng chỉ là hình thức nên cần phải thực hiện cụ thể hóa, chi tiết hóa các định hướng này.

Thứ sáu, hoạt động thanh tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong các giai đoạn của thu hồi đất. Có thể là thanh tra có báo trước ở giai đoạn này nhưng cũng có thể là thanh tra đột xuất trong giai đoạn khác để người vi phạm không thể lường trước về hoạt động thanh tra. Thanh tra cần phải đưa mục tiêu phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành vi sai phạm không để nó xảy ra trên thực tế. Hiện nay, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về hoạt động thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất dẫn đến việc khó thực hiện trên thực tế.

Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sẽ tác động đáng kể trực tiếp đến yếu tố chủ thể thực thi quyền lực. Vì vậy, hoạt động của cơ quan thanh tra trong quá trình kiểm soát quyền lực đang đạt được những thành công tương đối lớn. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai cũng đang góp phần thực hiện hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời, dưới sự gia tăng rất lớn của tội phạm trong lĩnh vực đất đai, cơ quan thanh tra cần phải có những bước phát triển mới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm./.

 Tài liệu tham khảo:

1.      GS. TS. Nguyễn Đăng Dung (2022), Kiểm soát quyền lực Nhà nước tái bản có sửa chữa, bổ sung, Sách tham khảo, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật.

2.      GS.TS Nguyễn Minh Đoan (2018), Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

3.      Thanh tra Chính Phủ (2021), Tài liệu Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ngành Thanh tra.

4.      Doãn Hồng Nhung (chủ biên), Nguyễn Lan Anh (2013), Pháp luật về thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật Đất đai ở Việt Nam (sách chuyên khảo), NXB Xây dựng, Hà Nội.

5.      Đinh Văn Minh (2021), Vi phạm pháp luật về đất đai qua công tác thanh tra và một số giải pháp hoàn thiện, Trang thông tin điện tử tổng hợp - Ban Nội chính Trung ương, ngày 3 tháng 8 năm 2021.

6.      Ths. Lê Thị Thúy (2022), Bàn về một số nội dung sửa đổi Luật Thanh tra, Tạp chí điện tử Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, nguồn: http://www.issi.gov.vn/ban-ve-mot-so-noi-dung-sua-doi-luat-thanh-tra_t164c2714n3347tn.aspx?currentpage=1.

7.      Ngô Hoài Thương, Chu Thị Thu Hiền (2022), Một số sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai thông qua thực tiễn xét xử, nguyên nhân và giải pháp, Tạp chí Tòa án ngày 20 tháng 5 năm 2022.

8.      Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội

9.      Quốc hội (2010), Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2010.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Trần Văn Dũng
Đại học Quốc gia Hà Nội
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra