Lịch sử phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay

Thứ sáu, 17/06/2022 17:24
(ThanhtraVietNam) - Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, vấn đề đấu tranh chống tệ tham ô, tham nhũng và các tệ nạn tiêu cực khác luôn là một nhiệm vụ quan trọng với mục tiêu nổi bật là làm trong sạch bộ máy nhà nước, thể hiện bản chất Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Pháp luật luôn là công cụ quan trong đấu tranh chống những biểu hiện cửa quyền, sách nhiễu, tham ô, hối lộ và loại trừ ra khỏi bộ máy những phần tử thoái hoá, biến chất, không xứng đáng với lòng tin của Nhân dân, sự tin cậy của Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu các tư liệu lịch sử cho thấy, mặc dù không sử dụng thuật ngữ “tham nhũng” hay “tội tham nhũng” nhưng các Nhà nước Việt Nam thời kỳ phong kiến đều rất quan tâm đến vấn đề này. Hai bộ luật điển hình của thời kỳ này là Quốc Triều hình luật thời Lê và Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn đã có những quy định xử lý hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để mưu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, xã hội và công dân.

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi có Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1988

Vấn đề phòng, chống tham nhũng đã được đề cập trong pháp luật Việt Nam từ rất sớm. Ngay sau khi giành được độc lập, tới khi thống nhất đất nước năm 1975 - thời kỳ cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhà nước ta đã ban hành một loạt sắc lệnh về chống tham ô, lãng phí và tệ quan liêu. Kể từ đó, dần hình thành hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Văn bản pháp luật đầu tiên đánh dấu sự ra đời của pháp luật phòng, chống tham nhũng là Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với chức năng hết sức rõ ràng, đó là giám sát, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chính quyền và nhân viên Nhà nước. Điều 1 Sắc lệnh này quy định: “Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt, có uỷ nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”. Sắc lệnh cũng quy định cho Ban Thanh tra đặc biệt những quyền hạn hết sức rộng lớn: “Điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Uỷ ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công tác giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Uỷ ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt…”

Hơn 01 năm sau, trong tình hình phức tạp thù trong, giặc ngoài, dù trăm công nghìn việc cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký ban hành Sắc lệnh 223/SL ngày 27/11/1946 quy định về việc trừng trị các tội đưa, nhận hối lộ, phù lạm và biển thủ công quỹ. Khi đó chủ thể của loại tội phạm này là công chức và “còn gồm nhân viên Chính phủ, trong các Uỷ ban hành chính các cấp, các cơ quan do nhân dân bầu lên, trong bộ đội và tất cả người phụ trách trong một công vụ”. Như vậy, người bị coi là phạm tội tham nhũng khá rộng và được hiểu có thể là bất kỳ ai có chức vụ, quyền hạn. Ngoài tội hối lộ, Sắc lệnh còn quy định việc trừng trị những người có hành vi “phù lạm, biển thủ công quỹ”, thực chất đây là những biểu hiện cụ thể của tội tham ô. Các hình phạt đưa ra đối với các tội này đều rất nghiêm khắc, thể hiện sự đấu tranh không khoan nhượng của Nhà nước. Sắc lệnh này đã có quy định hết sức nghiêm khắc đối với kẻ tham nhũng nhưng trong Sắc lệnh cũng có những quy định rõ ràng, thể hiện thái độ nhân đạo, khoan hồng và sự công bằng đối với người đưa hối lộ, phân biệt kẻ cố tình và vô tình, người bị bắt ép hoặc đã có hành vi tố giác. Có thể thấy rằng, dưới góc độ áp dụng luật hình sự, đây cũng là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về việc trừng trị một số tội phạm về tham nhũng theo cách hiểu hiện nay.

Cũng cần lưu ý rằng, trong các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thanh tra nhà nước cũng có rất nhiều quy định liên quan đến việc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, điển hình: Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 138/SL về việc thành lập Ban Thanh tra Chính phủ thay thế cho Ban Thanh tra đặc biệt với một nhiệm vụ nổi bật là thanh tra các ủy viên của Ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết. Điều này cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ lúc bấy giờ trong phòng, chống tham nhũng.

Sau khi hoàn thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Nhà nước ta tiếp tục chú trọng ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng, chống tham nhũng như: Quyết định 207/HĐCP ngày 06/4/1962 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí quan liêu” và Chỉ thị số 84/TTg ngày 09/9/1964 cụ thể hóa việc tham ô, lãng phí, quan liêu.

Đến năm 1990, tức là là bốn năm sau khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, một cột mốc mới đánh dấu sự phát triển của pháp luật phòng, chống tham nhũng được ghi nhận với sự ra đời của Quyết định 240/HĐBT ngày 26/6/1990 về đấu tranh chống tham nhũng. Lần đầu tiên, thuật ngữ “tham nhũng” chính thức được sử dụng trong văn bản pháp luật này của Nhà nước.

Văn bản pháp luật này không chỉ tạo nền tảng nhằm nâng cao nhận thức về tham nhũng mà còn tạo tiền đề cho việc xây dựng nhiều văn bản pháp luật khác cụ thể hóa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có thể kể đến một số văn bản pháp luật điển hình là Nghị quyết của Quốc hội ngày 30/12/1993 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu, Nghị quyết số 176/NQ của Quốc hội ngày 16/3/1994 ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu; một số văn bản pháp luật khác về phòng, chống tham nhũng như Quyết định số 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, Quyết định số 114/TTg ngày 21/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu, Quyết định số 35/TTg ngày 19/01/1996 cũng được ban hành trong khoảng thời gian này. Chỉ thị số 416/CT ngày 03/12/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường các công tác thanh tra, điều tra xử lý các việc tham nhũng và buôn lậu; Chỉ thị số 08/CT-TATC ngày 06/12/1990 của Toà án nhân dân tối cao về việc triển khai chống tham nhũng, chống buôn lậu qua biên giới và một số loại tội phạm kinh tế khác; Chỉ thị 171/TTg ngày 16/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về chống tham nhũng, lãng phí và thất thoát trong xây dựng cơ bản cũng được ban hành sau khi có Quyết định 240 nêu trên.

Trong khoảng thời gian này, những hành vi được gọi là tham nhũng cũng đã bắt đầu được mô tả trong Luật Hình sự. Thông tư số 02/TTLN-TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTP ngày 20/3/1993 đã nêu 11 loại hành vi phạm tội “có tính chất tham nhũng” cần được xử phạt nghiêm khắc. Sau đó, thuật ngữ “tội phạm tham nhũng” lần đầu tiên được sử dụng chính thức trong Luật số 57/SL-CTN ngày 10/5/1997 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, theo đó có 11 tội danh trong Bộ luật Hình sự được xác định là tội phạm tham nhũng.

Pháp luật phòng, chống tham nhũng thời kỳ này có quá trình phát triển dài với một số điểm mốc lịch sử đáng ghi nhận nhưng chủ yếu là các văn bản pháp luật có hiệu lực thấp, điều chỉnh các vấn đề liên quan tới tham nhũng có tính chất nhỏ lẻ, không mang tính bao quát. Điểm đáng chú ý là pháp luật phòng, chống tham nhũng thời kỳ này tập trung chủ yếu vào việc xử lý hành vi tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Trung úy Hàn Anh Tuấn (bên trái) nhận giải khuyến khích tại Lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng kể từ khi Pháp lệnh Chống tham nhũng được ban hành cho tới nay

Ngày 26/2/1998, Pháp lệnh chống tham nhũng được ban hành. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, tương đối toàn diện, chuyên biệt có nêu định nghĩa về tham nhũng và liệt kê 11 hành vi tham nhũng. Sau đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng được ban hành thay cho Bộ luật Hình sự năm 1985, trong đó có quy định nhóm tội tham nhũng gồm 07 tội danh. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, các quy định của Pháp lệnh đã sớm bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập, đòi hỏi cần được tiếp tục hoàn thiện. Mặt khác, với việc Việt Nam phê chuẩn UNCAC (ngày 30/6/2009), tham gia các Chương trình hành động chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Chương trình hành động chống tham nhũng trong khuôn khổ APEC, càng đòi hỏi hệ thống pháp luật của nước ta phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tinh thần của Công ước, cũng như để đáp ứng những yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Trong bối cảnh đó, để khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 và thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta về đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình mới, sau gần 8 năm thực hiện Pháp lệnh chống tham nhũng, ngày 29/11/2005, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng thay cho Pháp lệnh chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng gồm có 8 chương, 92 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006. Luật này đã quy định toàn diện về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng và hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung hai lần, được công bố vào các ngày 04/8/2007 và ngày 23/11/2012 để phù hợp hơn với thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các yêu cầu của phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

Sau gần 13 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác. Luật Phòng, chống tham nhũng đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Trên cơ sở thực hiện các chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt, thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chính vì vậy, ngày 20/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố số 14/2018/L-CTN ngày 04/12/2018; Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019.

Có thể thấy rằng, sự ra đời của Luật Phòng, chống tham nhũng là một bước tiến quan trọng đóng góp cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thông qua các quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình này, bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, đây là lĩnh vực pháp luật có phạm vi điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh cụ thể.

Như vậy, pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn lịch sử này được ghi nhận trong những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, điều chỉnh toàn diện, bao quát hơn các lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng so với các giai đoạn lịch sử trước đó.

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta được hình thành từ rất sớm trong lịch sử, phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện, tiến bộ hơn, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhận thức nhất quán, sâu sắc của Đảng Nhà nước ta về vị trí, vai trò quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong xu thế hợp tác phát triển như hiện nay, tham nhũng sẽ tồn tại ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, không phân biệt trình độ phát triển. Tham nhũng được coi là “giặc nội xâm” làm mọt ruỗng hệ thống chính trị từ bên trong một cách từ từ, êm thấm, thường khó nhận biết nhưng gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, của đất nước. Chính vì vậy, sự ra đời của Luật Phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều vụ án tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đưa đất nước phát triển vững chắc theo con đường xã hội chủ nghĩa./.

Trung úy Hàn Anh Tuấn
Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra