Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ hai, 14/03/2022 11:42
(ThanhtraVietNam) – Thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý Nhà nước, nhằm đánh giá ưu, khuyết điểm, phát huy nhân tố tích cực. Đồng thời, phòng ngừa, xử lý các vi phạm để hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Hoạt động quản lý luôn sáng tạo, đổi mới, vì vậy công tác thanh tra, kiểm tra đòi hỏi cần phải được đổi mới toàn diện trên cả phương diện quản lý, điều hành và phương pháp thanh tra, kiểm tra.

Năm 2021, trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 phức tạp, Thanh tra tỉnh và ngành Thanh tra Đắk Lắk đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng, triển khai công tác thanh tra linh hoạt, đảm bảo kế hoạch, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Về công tác thanh tra, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai 308 cuộc thanh tra, trong đó có 210 cuộc thanh tra hành chính và 98 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền trên 67,6 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 48 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác gần 19 tỷ đồng; đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 43 tỷ 706 triệu đồng (đạt 90%), xử lý hành chính đối với 39 tổ chức và 106 cá nhân.

Đặc biệt, đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 02 vụ/02 đối tượng và 03 vụ việc có dấu hiệu về hành vi tội phạm để tiếp tục điều tra làm rõ, vụ việc hiện nay đang trong quá trình chờ kết quả tiếp nhận, xử lý của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh.

Trong kỳ, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp 5.149 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, gồm: 4.607 vụ việc; đoàn đông người có 09 đoàn/126 lượt người. Đồng thời, tiếp nhận, phân loại và xử lý 5.979 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, số đơn đủ điều kiện xử lý là 4.242 đơn/4.242 vụ việc với 4.004 đơn thuộc thẩm quyền và 238 đơn không thuộc thẩm quyền .

Kết quả, đối với 228 đơn/228 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 205 đơn/205 vụ việc, đạt 89,9%; đang xem xét, giải quyết 23 đơn/23 vụ việc, chiếm 10,1%. Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước là 76 đơn/76 vụ; đã giải quyết 59 đơn/59 vụ việc, đạt 77,6%; đang xem xét, giải quyết 17 đơn/17 vụ việc, chiếm 22,4%.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi công bố Quyết định thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vacxin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 của Thanh tra tỉnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Bên cạnh đó, về công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2021, các cấp, các ngành trong tỉnh đã ban hành 196 văn bản mới, sửa đổi, bổ sung 04 văn bản và bãi bỏ 05 văn bản để triển khai thực hiện. Cơ bản các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, qua đó công khai kết quả hoạt động, công khai tài chính, mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; công tác tổ chức, cán bộ… 

Có thể nói, những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những hạn chế, như: Công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt; tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực, chưa phát huy hiệu quả thực tế. Đáng nói, một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo thiếu kiên quyết dẫn đến việc thực hiện còn chưa nghiêm túc. Hiệu quả một số cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cao.

Từ thực tiễn nêu trên, tác giả bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra góp phần phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Lăk như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, như: Quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tái cơ cấu và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước…

Ba là, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan cùng cấp thực hiện tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình. Từ đó, kịp thời có giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm an ninh, trật tự phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, nâng cao hơn nữa cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan về công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và xử lý kiến nghị; trình tự, thủ tục phối hợp trong chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan thanh tra sang cơ quan điều tra theo đúng quy định về Quy chế phối hợp số 366/QCPH-CAT-TTT ngày 23/11/2017 về Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh Đắk Lắk trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng./.

Lê Văn Hảo

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra