Một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm

Thứ ba, 24/05/2022 21:19
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện mua sắm các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm. Mặc dù, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra song thực tế cho thấy việc đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, bất cập.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021) cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19; tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. 

Liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, lực lượng công an đã phát hiện 7.092 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 21,9%), 6.533 đối tượng (tăng 23,85%). Trong đó, đã phát hiện, xử lý môt số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực Y tế, như: Vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viên Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La... Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực Y tế giữa đại dịch Covid-19 đã góp phần giảm thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực với người dân, đặc biệt là người bệnh. Đồng thời, góp phần cảnh tỉnh và ngăn ngừa các tổ chức, cá nhân có ý định lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, làm ăn phi pháp. 

Vấn đề tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm thuốc, các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm trong thời gian vừa qua cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 11/2021, nhiều đại biểu đã đề cập đến nội dung này. Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đáng tiếc khi thời gian qua, nhiều vi phạm trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế dẫn đến nhiều y bác sỹ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, các đại biểu đặt câu hỏi về phần trách nhiệm của Bộ Y tế trong hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xem xét tách bạch người quản lý chuyên môn và kinh tế trong các bệnh viện.

Trả lời các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo các quy định của Đảng, Nhà nước về mặt tổ chức đối với các đơn vị sự nghiệp công đã có quy định về giám đốc, phó giám đốc; trong các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các hướng dẫn của Bộ đã cố gắng tách bạch người quản lý về mặt tài chính riêng. Tuy nhiên, tại một số địa phương, vấn đề tổ chức quản lý y tế và nhân sự trên địa bàn thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố, nên việc này Bộ Y tế không chỉ đạo được. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình; xây dựng các quy định, thể chế để cố gắng hạn chế tối đa những vấn đề sai phạm.  

Đồng thời, Bộ tiếp tục rà soát lại tất cả những văn bản pháp luật có liên quan đến việc quản lý về mua sắm, đấu thầu và phân cấp, phân quyền. Đi cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thuộc Bộ; các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị y tế thuộc địa bàn, làm sao vừa ngăn ngừa, vừa phòng, chống, đấu tranh và xử lý các trường hợp vi phạm. Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành Y tế cũng nêu rõ: Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về mặt chuyên môn, kỹ thuật đối với các cơ sở y tế ở trên toàn quốc; đối với vấn đề về nhân sự, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm thuộc UBND các tỉnh, thành phố.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Khi xảy ra những vấn đề liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, Bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra về mặt chuyên môn, còn thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về mặt kinh tế, tài chính, quản lý về mặt đấu thầu, mua sắm… sẽ do các địa phương triển khai thực hiện. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Y tế liên tục có những văn bản nhắc nhở đối với các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm các quy định đấu thầu, mua sắm, trang thiết bị y tế, sinh phẩm. 

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Quốc hội

Trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành văn bản gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị: Căn cứ Kế hoạch thanh tra 2022 của tỉnh, thành phố, xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 của địa phương có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. 

Tại văn bản số 1889/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021 của Thanh tra Chính phủ gửi bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022 có nêu nhiệm vụ chủ yếu về công tác thanh tra liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể:
Thanh tra Chính phủ thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.  

Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ: Thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị trực thuộc. 

Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương (trừ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh).  
Nguyên nhân và giải pháp 

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những vi phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do thiết bị y tế và vật tư y tế là hàng hóa đặc thù, có tính chuyên môn, kỹ thuật cao; đa số thiết bị y tế và nhiều vật tư y tế thay thế trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu; có những trang thiết bị y tế, vật tư y tế không có sản phẩm tương tự trên thị trường để so sánh giá. Nhiều nhà sản xuất trang thiết bị y tế trên thế giới không đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc có Văn phòng tại Việt Nam nhưng áp dụng chính sách 1 giá duy nhất với 1 đối tác duy nhất, chính sách ủy quyền bán hàng qua doanh nghiệp trung gian nên đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu, buôn bán trang thiết bị y tế, vật tư y tế và chủ đầu tư nâng giá hoặc qua các doanh nghiệp trung gian nâng giá trang thiết bị y tế, vật tư y tế.  

Về nguyên nhân chủ quan, Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ năm 2014 nhưng đến ngày 10/7/2020 Bộ Y tế mới ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung về đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Từ năm 2014 đến thời điểm hiện nay, việc đấu thầu hóa chất, vật tư y tế vẫn áp dụng theo Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính như mua sắm hàng hóa thông thường tạo ra một số kẽ hở bị lợi dụng (do đặc tính kỹ thuật, chất lượng, tác dụng đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chậm thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 62; UBND nhiều tỉnh, thành phố không thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 65 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP (không đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử các thông tin về giá trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập trên phạm vi toàn quốc và danh sách các trang thiết bị y tế đã bị thu hồi số lưu hành). Đây là một trong những nguyên nhân làm cho các tỉnh, thành phố không có căn cứ tham khảo, phát hiện chênh lệch giá các trang thiết bị y tế giống nhau hoặc có chất lượng, cấu hình tương tự khi xây dựng giá kế hoạch đấu thầu (đến đầu năm 2020, Bộ Y tế mới đăng tải công khai kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế trên toàn quốc trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế địa chỉ: https://congkhaiketquathau.moh.gov.vn).
UBND một số tỉnh, thành phố không ban hành kế hoạch mua sắm trung và dài hạn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; không ban hành danh mục mua sắm tập trung trang thiết bị y tế và vật tư y tế theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Tại một số đơn vị, việc đề xuất danh mục mua sắm chủ yếu dựa trên loại thiết bị cụ thể mà các bác sỹ, kỹ thuật viên đi học tại tuyến Trung ương; hoặc do cơ quan quản lý đã được các hãng thiết bị tài trợ trong quá trình tiếp thị quảng cáo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng nên đã đề xuất cấu hình kỹ thuật rất chi tiết chỉ có hãng, loại sản phẩm đó có, dẫn đến hạn chế cạnh tranh và giá mua bán trang thiết bị y tế, vật tư y tế không phản ánh đúng với giá thị trường.

Một bộ phận cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ mua sắm và có thẩm quyền quyết định việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế thực hiện không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, đặc biệt là khâu lập giá kế hoạch; chưa cung cấp thông tin đầy đủ, thực hiện công khai, minh bạch về quá trình mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế.

Nhiều đơn vị thẩm định giá do làm chưa đầy đủ quy trình thẩm định giá, đã dẫn đến cung cấp chứng thư thẩm định giá (cơ sở quan trọng để chủ đầu tư phê duyệt giá kế hoạch) phản ánh không chính xác giá thị trường, tạo cơ sở cho chủ đầu tư quyết định mua trang thiết bị y tế với giá chưa phù hợp. 

Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế hoặc được Bộ Y tế cấp trang thiết bị y tế tại một số địa phương chưa căn cứ vào nhu cầu và điều kiện bảo quản, nhân lực sử dụng; dịch vụ kỹ thuật chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán; mô hình bệnh tật có nhu cầu sử dụng thấp; phụ thuộc vật tư hoá chất độc quyền.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, quy định pháp luật về mua sắm đã khá đầy đủ và chặt chẽ, vấn đề là ở khâu thực hiện. Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ mua sắm cần thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về mua sắm, đấu thầu; đặc biệt lưu ý việc xây dựng giá kế hoạch đấu thầu (chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, đấu thầu hạn chế và rộng rãi) cần được thực hiện công khai và được giám sát để đảm bảo tính khách quan. 

Chủ đầu tư cần đặt ra yêu cầu để kiểm tra, giám sát ngay từ khâu tiếp nhận chứng thư hoặc thông báo thẩm định giá đảm bảo việc thẩm định giá được thực hiện đúng, đầy đủ quy trình về thẩm định giá do Bộ Tài chính đã ban hành. Ngoài ra, cần hạn chế tối đa việc lựa chọn và phê duyệt mua sắm các loại thiết bị, vật tư có tính đặc biệt, độc quyền không có so sánh về giá. Trong trường hợp mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp trong khám, chữa bệnh, để tránh được các các rủi ro pháp lý có thể xảy ra, cơ quan chủ quản cần mời các cơ quan pháp luật có liên quan để cùng giám sát quá trình mua sắm./.


 

 
Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra