Thanh tra chuyên ngành công an nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới

Thứ hai, 28/03/2022 15:43
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân (CAND) là hoạt động thanh tra do các đơn vị công an có thẩm quyền tiến hành đối với đối tượng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới việc chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an. Hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Căn cứ các quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, Thanh tra Bộ Công an đã chủ động tham mưu xây dựng, trình Bộ trưởng ký ban hành kế hoạch công tác thanh tra CAND để tổ chức triển khai trong toàn lực lượng, đồng thời ban hành hướng dẫn thanh tra các chuyên đề diện rộng, trong đó có nội dung thanh tra chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Thực hiện kế hoạch công tác thanh tra năm 2020 của lực lượng CAND, Thanh tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng “việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC” đối với 03 Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh (Hà Nội, Cần Thơ, Hà Nam), 181 UBND cấp huyện, 03 sở xây dựng, 44 ban quản lý các khu công nghiệp, ban quản lý khu kinh tế, 52 doanh nghiệp là chủ đầu tư khu công nghiệp, 561 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. 
Kết thúc thanh tra, các đoàn thanh tra đã đưa ra tổng số 513 lượt kiến nghị, trong đó, 371 kiến nghị đối với đối tượng thanh tra, 05 kiến nghị đối với Chính phủ, 40 kiến nghị đối với Bộ Công an, 97 kiến nghị đối với UBND cấp tỉnh; lập biên bản vi phạm của đối tượng thanh tra, chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về PCCC 40 trường hợp với tổng số tiền là 508.300.000 đồng.
Từ kết quả thanh tra cho thấy, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện được thanh tra đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác PCCC tại địa phương. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC theo chức năng, nhiệm vụ được giao với nhiều biện pháp, hình thức; thành lập các đội dân phòng tại các địa bàn dân cư, hướng dẫn xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC trong lĩnh vực xây dựng và quản lý các khu công nghiệp cơ bản được thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị là chủ đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cơ bản đã thực hiện quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp theo quy định; một số khu công nghiệp đã thành lập và duy trì hoạt động của đội PCCC chuyên ngành, trang bị trang phục, phương tiện chữa cháy, phương tiện cứu nạn, cứu hộ cho đội PCCC chuyên ngành. Phần lớn UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện được thanh tra đã bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC từ ngân sách của địa phương; lập quy hoạch, đề xuất cấp đất và xây dựng doanh trại cho lực lượng cảnh sát PCCC; phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực tập phương án chữa cháy có huy động nhiều lực lượng; tổ chức kiểm tra liên ngành về PCCC, xử phạt vi phạm hành chính về PCCC theo quy định... Người đứng đầu các cơ sở được thanh tra đã thực hiện trách nhiệm tổ chức tuyên truyền về PCCC, thành lập đội PCCC cơ sở, huấn luyện nghiệp vụ PCCC; thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định. Hầu hết các cơ sở bảo đảm yêu cầu về điều kiện thoát nạn, yêu cầu về ngăn cháy, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy...

leftcenterrightdel

Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị thông qua dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đối với UBND thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC của các đối tượng thanh tra còn một số hạn chế, khuyết điểm, cụ thể như sau:
UBND cấp tỉnh được thanh tra chưa tham mưu, trình hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành theo thẩm quyền mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP; 2/3 UBND cấp tỉnh chưa tham mưu, trình hội đồng nhân dân ban hành quy định về biện pháp xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực và nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. 
Hiệu quả việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao, trong đó, có 10% UBND cấp huyện và các sở, ngành được thanh tra chưa thực hiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND cấp tỉnh. Công tác tuyên truyền về PCCC chưa thường xuyên, sâu rộng, chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Công tác xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc xây dựng các cá nhân, điển hình tiên tiến về PCCC tại các địa phương chưa thống nhất, nhiều mô hình đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ lâu nhưng không có cơ quan nào xét công nhận. Hoạt động của lực lượng dân phòng tại các khu dân cư chưa hiệu quả, phần lớn không duy trì hoạt động hoặc hoạt động mang tính hình thức; hầu hết các đội dân phòng chưa được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trong lĩnh vực xây dựng và quản lý khu công nghiệp còn một số hạn chế như: Còn 5% ban quản lý, 8% UBND cấp huyện được thanh tra chưa thực hiện các quy định về PCCC trong công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu các dự án, công trình thuộc thẩm quyền. Trên địa bàn các tỉnh, thành phố được thanh tra còn 16,8% số trụ nước chữa cháy được lắp đặt bị hư hỏng hoặc không có nước hoặc không phù hợp tiêu chuẩn để khai thác, sử dụng; công tác quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo vệ trụ nước chữa cháy chưa bảo đảm theo quy định, một số trụ nước do chủ đầu tư hạ tầng các khu dân cư xây dựng, lắp đặt nhưng không bàn giao cho doanh nghiệp cấp nước hoặc chính quyền địa phương nên không có đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng hoặc sửa chữa khi bị hư hỏng. Có 65,3% doanh nghiệp là chủ đầu tư khu công nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp theo quy định; 50% chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành hoặc thành lập mang tính hình thức và không duy trì hoạt động chuyên trách; 40% chưa trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang phục, phương tiện chữa cháy; 32% chưa thực hiện trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến công tác PCCC.
Việc bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong đó, các địa phương chưa phân bổ ngân sách dành cho các hoạt động PCCC trên địa bàn quản lý và mua sắm phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng từ nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh theo quy định. Công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng các đơn vị cảnh sát PCCC thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, chủ đầu tư khu công nghiệp chưa được quan tâm, chú trọng. Trong đó, 58% UBND cấp huyện chưa đề xuất bố trí quỹ đất để xây dựng đơn vị cảnh sát PCCC nên phạm vi bán kính bảo vệ của các đội chữa cháy chuyên nghiệp chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định.
UBND cấp tỉnh được thanh tra chưa chỉ đạo xây dựng phương án chữa cháy phối hợp khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận theo quy định; 53% UBND cấp huyện chưa chỉ đạo tổ chức thực tập phương án chữa cháy có huy động nhiều lực lượng, phương tiện trên địa bàn theo quy định. Công tác tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy tại một số địa phương còn hạn chế, việc phối hợp giữa phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), đội cảnh sát PCCC&CNCH công an cấp huyện và cơ quan cảnh sát điều tra trong công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ nên còn nhiều vụ cháy chưa xác định được nguyên nhân; một số vụ cháy không có dấu hiệu tội phạm nhưng cơ quan cảnh sát điều tra không chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát PCCC để tiến hành các thủ tục xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Lãnh đạo UBND cấp tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện chưa chủ trì thanh tra, kiểm tra trực tiếp trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, trong đó 86% UBND cấp huyện chưa thực hiện việc kiểm tra an toàn PCCC tại địa phương theo quy định. Kết quả kiểm tra an toàn về PCCC của UBND cấp huyện, công an cấp huyện, phòng cảnh sát PCCC&CNCH đối với cơ sở trên địa bàn quản lý tại một số địa phương phát hiện nhiều hành vi vi phạm về PCCC nhưng chưa kịp thời xử lý vi phạm hành chính. Công tác xử lý vi phạm về PCCC một số hạn chế, khuyết điểm, như: Thời gian từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đến ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn theo quy định; xác định sai chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chính; xử phạt vượt quá thẩm quyền...
Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở được thanh tra còn một số tồn tại, vi phạm như: Còn 9,2% cơ sở chưa thành lập thành lập đội PCCC cơ sở hoặc đã thành lập nhưng chưa bảo đảm về biên chế theo quy định; 18,5% cơ sở chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho đội PCCC cơ sở. Còn 16,2% cơ sở chưa thực hiện quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu PCCC hoặc có cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà và công trình nhưng không trình thẩm duyệt PCCC; 32,6% cơ sở chưa được nghiệm thu PCCC hoặc có một số hạng mục đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu tổng thể về PCCC. Còn 33,6% cơ sở chưa bảo đảm điều kiện về thoát nạn; 30,4% cơ sở chưa bảo đảm điều kiện về ngăn cháy; 14,7% cơ sở chưa bảo đảm điều kiện về giao thông phục vụ chữa cháy; 13% cơ sở chưa bảm đảm về nguồn nước chữa cháy. Còn 16,7% cơ sở chưa thực hiện quy định về tự kiểm tra về PCCC; 26,7% cơ sở chưa tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền kiến nghị, yêu cầu hoặc đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ. Còn 6,7% cơ sở chưa bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC; 16,2% cơ sở chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định hoặc đã mua nhưng chưa đúng về loại hình bảo hiểm, mức phí, đối tượng bảo hiểm. Còn 25,3% cơ sở chưa trang bị đầy đủ số lượng, chủng loại phương tiện PCCC; 20% cơ sở chưa thực hiện đầy đủ quy định về bảo dưỡng phương tiện PCCC; 10,6% cơ sở chưa xây dựng phương án chữa cháy; 26,3% cơ sở chưa tổ chức thực tập hoặc chưa bảo đảm về số lượt thực tập phương án chữa cháy, tình huống thực tập phương án chữa cháy...
Kết quả công tác thanh tra đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trên các địa bàn, cơ sở; phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, bất cập trong các quy định của pháp luật về PCCC, làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác PCCC. Nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai việc khắc phục các khuyết điểm, hạn chế, vi phạm và tổ chức thực hiện các kiến nghị ngay sau khi kết thúc làm việc trực tiếp với đoàn thanh tra.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về 04 nhóm giải pháp, cụ thể như sau:
(1) Xây dựng đề án, trình hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành nghị quyết quy định biện pháp xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực theo quy định tại khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; xây dựng quy định, biện pháp cụ thể xử lý đối với nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng..., nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động PCCC; trang bị phương tiện PCCC; quy hoạch địa điểm, cấp đất và xây dựng doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC đối với UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các cơ sở, phương tiện có nguy cơ cháy, nổ cao.
(3) Chỉ đạo UBND cấp huyện củng cố phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC; xây dựng đầy đủ lực lượng dân phòng tại các thôn, tổ dân phố, bảo đảm 100% số đội viên dân phòng được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và được trang bị đầy đủ phương tiện, trang phục PCCC theo quy định của Thông tư số 56/2014/TT-BCA, Thông tư số 48/2015/TT-BCA; thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, đội viên đội dân phòng theo quy định.
(4) Chỉ đạo các cơ quan quản lý về xây dựng và khu công nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC trong lĩnh vực xây dựng, quản lý khu công nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với những cơ hội là thách thức đến từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế, đã và đang ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trong nước. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND sẽ là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội./.

Thượng tá Trần Việt Hải
Thanh tra Bộ Công an

                                                                   






























 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra