Thanh tra, kiểm toán là công cụ hữu hiệu phát hiện sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý vốn đầu tư công

Thứ sáu, 25/02/2022 11:25
(ThanhtraVietNam) - Hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trên cơ sở phát hiện những sơ hở, hạn chế, bất cập của pháp luật quản lý vốn đầu tư công và kiến nghị biện pháp khắc phục của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Trao đổi về nội dung này, TS. Tăng Thị Thiệm, Chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua công tác thanh tra, kiểm toán” cho biết: Hoạt động thanh tra và kiểm toán nhà nước gắn liền với trách nhiệm của các chủ thể quản lý, nhất là trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đầu tư công là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nhờ đầu tư công mà cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng cao. Đầu tư công là công cụ cần thiết của nhà nước để khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, là đòn bẩy kinh tế cho đầu tư các khu vực còn lại thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, đồng thời phát triển các mặt xã hội mà các thành phần kinh tế tư nhân ít khi tham gia được.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguyễn Duy

Có thể nói, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng và quyết định đến sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước cũng như từng địa phương. Pháp luật là cơ sở quan trọng nhất, là căn cứ để quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Trong những năm vừa qua, pháp luật về quản lý vốn đầu tư công từng bước được hoàn thiện đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý đầu tư công nói chung và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công nói riêng, trong đó có vai trò rất lớn của hoạt động thanh tra, kiểm toán quản lý vốn đầu tư công. Các cơ quan thanh tra nhà nước và kiểm toán nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán việc chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư công, qua đó chỉ ra nhiều sơ hở, sai phạm, đề xuất sửa đổi nhiều cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật có liên quan; kiến nghị thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính, xử lý hình sự đối với nhiều cán bộ, công chức, viên chức và các cá nhân có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời phát hiện và đề xuất hoàn thiện quy định về quyết định chủ trương và quyết định đầu tư, dần khắc phục được tình trạng tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn, việc giải ngân vốn đầu tư công từng bước được cải thiện. Đồng thời, phát hiện và đề xuất giải pháp khắc phục được tình trạng phê duyệt các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp, đẩy ngân sách Trung ương vào thế bị động. Cũng qua các kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất các giải pháp khắc phục được tình trạng thiếu thông tin theo dõi giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công; đề xuất giải pháp khắc phục được tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc ban hành và thực hiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể là: Hoạt động thanh tra trong thời gian qua chưa tập trung chú trọng đến việc tìm ra những sơ hở, hạn chế, bất cập của pháp luật quản lý vốn đầu tư công, mà chỉ chú trọng đến việc tìm ra sai phạm để xử lý. Tình trạng thiếu sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với các cơ quan có trách nhiệm trong hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công đã dẫn tới tính trạng các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sơ hở của chính sách pháp luật, đề xuất kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản, nhưng các cơ quan khi làm luật ít quan tâm đến các đề xuất đó. Các kiến nghị cũng không được tổng hợp, đánh giá thường xuyên thành hệ thống để các nhà làm luật kế thừa, tiếp thu các kiến nghị này. Bên cạnh đó, vẫn còn chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra và kiểm toán chấp hành pháp luật quản lý vốn đầu tư công. Việc xử lý kết quả sau thanh tra, kiểm toán quản lý vốn đầu tư công còn hạn chế, bất cập, đặc biệt là xử lý các kiến nghị về sửa đổi cơ chế chính sách, trong đó có pháp luật quản lý vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì thời gian vừa qua, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 17% (136/786 văn bản). Ngoài ra, trách nhiệm, trình độ năng lực của một số công chức tiến hành thanh tra, kiểm toán và tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công còn hạn chế.

Những tồn tại, hạn chế nói trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến một lượng vốn đầu tư công lớn bị sử dụng lãng phí, thất thoát, nhiều dự án đầu tư không phát huy được hiệu quả. Do vậy, hoàn thiện pháp luật, tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó thanh tra, kiểm toán là một trong những công cụ hữu hiệu phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý vốn đầu tư công, để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, khắc phục.

Nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật, tăng cường quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động quản lý vốn đầu tư công, thiết nghĩ cần: (1) Tiếp tục hoàn thiện nội dung pháp luật về quản lý vốn đầu tư công theo kiến nghị của thanh tra, kiểm toán; (2) Hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhằm nâng cao vai trò của thanh tra, kiểm toán trong quản lý vốn đầu tư công và (3) tổ chức hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán.

Đây là hệ thống các giải pháp tương đối toàn diện và khả thi, nếu được thực hiện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán nói riêng, quản lý đầu tư công nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn hiện nay./.

K. Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra