Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 16/09/2022 17:45
(ThanhtraVietNam) - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN) là nội dung quan trọng của công tác PCTN. Trong 10 năm qua (2012 - 2022), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao ý thức, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân đối với công tác PCTN.

Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật PCTN sửa đổi năm 2007, Luật PCTN sửa đổi năm 2012 và Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan về công tác PCTN tiêu cực.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến được triển khai một cách đa dạng, phong phú như: Lồng ghép vào chương trình hội thảo, hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đảng, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; tập huấn cho công chức, người lao động; tổ chức hội thi về đạo đức công vụ... Tại các cuộc họp giao ban với Thủ trưởng đơn vị, Bộ trưởng thường xuyên quán triệt việc thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và chỉ đạo các đơn vị tham mưu Bộ thực hiện nhiệm vụ PCTN tiêu cực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Tại các đơn vị thuộc Bộ, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tiêu cực, tại các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, một số đơn vị đã xây dựng và tổ chức báo cáo chuyên đề về PCTN tiêu cực nhằm phổ biến, quán triệt tới cán bộ, đảng viên, người lao động.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Năm 2019, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021" của Bộ LĐTBXH, Bộ đã tổ chức lớp tập huấn về “Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Tố cáo” cho 120 người là thủ trưởng và cán bộ làm công tác PCTN của các đơn vị thuộc Bộ và 110 người là giảng viên các trường đại học thuộc Bộ. Năm 2020, Bộ đã tổ chức 01 hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cho 98 cán bộ, đảng viên chủ chốt. Năm 2021, 03 lớp tập huấn nội dung Luật PCTN và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP được Bộ tổ chức cho 300 công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ.

Ngày 26/9/2018, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BLĐTBXH về Chương trình môn học Pháp luật thuộc các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng làm cơ sở để các trường cao đẳng, trường trung cấp và cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy cho học sinh, sinh viên các nội dung cơ bản của pháp luật về PCTN tiêu cực với thời lượng 4 tiết học.

Ngoài ra, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã đãng tải tài liệu giới thiệu, tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, cùng nhiều bài viết phân tích những điểm mới của Luật, tình hình hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị và các Sở LĐTBXH tại địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí thuộc Bộ triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, cộng tác viết tin, bài về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và các hoạt động của ngành LĐTBXH nói riêng.

Các cơ quan báo chí thuộc Bộ (Báo điện tử Dân trí, Báo Lao động & Xã hội - Báo điện tử Dân sinh, Tạp chí Lao động & Xã hội) thường xuyên đăng tải, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật liên quan đến PCTN tiêu cực, phản ánh tình hình giải quyết, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, các vụ án tham nhũng lớn, gây bức xúc trong dư luận, các mô hình tiêu biểu, kinh nghiệm tốt trong công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN tiêu cực. Trong giai đoạn 2012-2022, đã có hàng chục nghìn bản tin, bài viết liên quan đến công tác PCTN tiêu cực được các cơ quan báo chí thuộc Bộ đăng tải, thu hút hàng chục triệu lượt người truy cập.

Nhìn chung, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên, người lao động và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác PCTN, qua đó, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Có thể khẳng định, trong giai đoạn tình hình xã hội có nhiều chuyển biến phức tạp, các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN ngày càng có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao hiểu biết pháp luật về PCTN của công dân./.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra