Sóc Trăng:

Kết quả phòng, chống tham nhũng thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành

Thứ sáu, 23/09/2022 17:59
(ThanhtraVietNam) - Được sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, thường xuyên của Tỉnh ủy, Thanh tra Chính phủ và sự chủ động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng tỉnh Sóc Trăng, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được triển khai hiệu quả và có nhiều kết quả tích cực.

Các giải pháp PCTN đã được địa phương thực hiện nghiêm túc; việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; đấu tranh, ngăn chặn tội phạm tham nhũng và chủ động trong phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng được triể n khai tích cực theo quy định. Công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong đấu tranh, PCTN, tiêu cực được tăng cường.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo đó, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế của từng đơn vị để đưa ra các phương án thực hiện, triển khai công tác. Thường xuyên quan tâm, chú trọng đến các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN, đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc chỉ đạo, điều hành. Thanh tra tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Sở, ban ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN trong giai đoạn tiếp theo và Chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Các cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu về PCTN trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng được củng cố, kiện toàn hoạt động hiệu quả; góp phần phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực. Phân công khối lượng công việc thanh tra, kiểm tra hợp lý để tránh tối đa các tiêu cực xảy ra, đồng thời, hiệu suất, hiệu quả công việc được đẩy lên cao nhất, phát huy tối đa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ.

Nhờ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt tỷ lệ 87,54%, xếp hạng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,35% (tăng 01 bậc) so với năm 2020 (85,19%) và dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Về Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh năm 2021 đạt 89,51% xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,84% (05 bậc) so với năm 2020 (88,67% hạng 14/63) và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng luôn được thực hiện thường xuyên, kịp thời, nhờ đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi của địa phương; trong kỳ, các cơ quan chức năng đã thực hiện điều tra, truy tố, xét xử đối với 09 vụ án có liên quan tham nhũng. Cụ thể, đã xét xử 05 vụ (13 bị cáo); đang đề nghị truy tố 01 vụ (01 bị can); đang điều tra 03 vụ (05 bị can). Các tội phạm chủ yếu được phát hiện như: “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, “Nhận hối lộ và đưa hối lộ”. Về kết quả xử lý tài sản tham nhũng, tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện trên 4,4 tỷ đồng; đã thu hồi hơn 2,5 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 57,3%). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 02 vụ với 02 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm hình sự do có hành vi tham nhũng.

Nhìn chung, công tác PCTN đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, từ đó nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chống tham nhũng được quan tâm thực hiện chặt chẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Mặc dù vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định về PCTN ở một số cơ quan, đơn vị còn chú trọng về số lượng nhưng chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng nên nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức về PCTN đôi lúc chưa cao. Một số quy định về các giải pháp PCTN còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, UBND tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, xác định công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường công tác phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả xử lý tài sản tham nhũng, kiên quyết xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc. Tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”.

Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc đưa tin, bài nêu gương điển hình về PCTN, nhất là việc phát hiện, phê phán và đề nghị xử lý các hành vi gây thất thoát, tham nhũng, lãng phí; đồng thời, tăng cường khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và các quy định có liên quan; thực hiện xác minh tài sản, thu nhập theo quy định./.

Huyền Sa, Minh Trang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra