Sơn La:

Nâng cao năng lực trình độ công chức ngành Thanh tra trong phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm

Thứ năm, 09/06/2022 08:08
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh Sơn La vừa có báo cáo vè kết quả phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2021 qua hoạt động của ngành Thanh tra.

Phối hợp, trao đổi thông tin hiệu quả trong công tác thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc

Theo Thanh tra tỉnh Sơn La, tổng số vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực phát hiện qua hoạt động của cơ quan thanh tra tại địa phương là 8 vụ việc với 15 đối tượng; số vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra: 8 vụ việc (15 đối tượng).

Tổng số cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành tiến hành trong kỳ báo cáo là 2.252 cuộc; số cuộc đã ban hành kết luận: 2.252 cuộc. Qua đó đã phát hiện sai phạm 306,4 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 129,9 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 176,5 tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị xử lý 1.737 tập thể, 4.401 cá nhân.

Cùng với đó, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổng số vụ việc khiếu nại, vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo 862 vụ việc (khiếu nại 417 vụ việc, tố cáo 445 vụ việc); số vụ việc đã giải quyết xong 859 vụ việc (khiếu nại 414 vụ việc, tố cáo 445 vụ việc). Ngoài ra, đã thực hiện 459 cuộc, ban hành kết luận 459 cuộc đối với thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng.

Trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra thực hiện thường xuyên công tác phối hợp với các cơ quan thuộc khối nội chính trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho công tác nắm tình hình, thống nhất kế hoạch thanh tra hàng năm, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian, đối tượng thanh tra; một số cuộc thanh tra phát hiện sai phạm đã được cơ quan thanh tra kịp thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP.

Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin về công tác thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho công tác tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ngành theo Quy chế phối hợp số 03/QC-VKS-TTr-CA ngày 09/10/2015 về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan Thanh tra, Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố.

Nhìn chung, các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã được các cơ quan thanh tra trong tỉnh kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng, việc chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện chưa sát thực tế; không kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá thực trạng tình hình để có giải pháp phòng ngừa phù hợp và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao.

leftcenterrightdel
Một phiên họp rà soát tiến độ thực hiện đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của UBND tỉnh Sơn La. Ảnh: noichinh.vn
 

Ngoài ra, việc chứng minh hành vi có dấu hiệu tội phạm gặp nhiều khó khăn, lúng túng; một số sai phạm đã được phát hiện nhưng chưa chứng minh được là có hay không dấu hiệu tội phạm, nên việc đề xuất chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật còn hạn chế.

Một số nguyên nhân khác được chỉ ra như: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một hoạt động tổng hợp, liên quan nhiều đến các quy định của pháp luật, các chế độ, chính sách của nhà nước. Đối tượng tham nhũng là người có chức vụ quyền hạn và am hiểu pháp luật; hành vi phạm tội được che dấu dưới nhiều hình thức khác nhau, tinh vi, phức tạp trong khi Luật Thanh tra quy định công tác thanh tra là công khai minh bạch, thời gian thanh tra có hạn (không giống công tác điều tra tội phạm) do đó việc phát hiện và chứng minh hành vi có dấu hiệu tội phạm gặp nhiều khó khăn...

Khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý

Từ thực tiễn tại địa phương, tỉnh Sơn La đưa ra các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý về phòng chống tham nhũng; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch của cấp có thẩm quyền về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và các văn bản chỉ đạo điều hành của Thanh tra Chính phủ, cấp ủy, chính quyền về công tác phòng chống tham nhũng.

Mở các khóa đào tạo chuyên sâu cho công chức ngành Thanh tra nghiệp vụ về phát hiện hành vi phạm tội. Cùng với đó, các cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra theo tinh thần Thông tư số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22/3/2012 giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

Liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tỉnh Sơn La kiến nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý; đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp, sát với thực tế. Thanh tra Chính phủ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho công chức ngành Thanh tra để nâng cao năng lực trình độ trong phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra