Ngành Thanh tra tỉnh Hà Giang chuyển 15 vụ việc sang cơ quan điều tra

Thứ năm, 30/06/2022 11:20
(ThanhtraVietNam) - Giai đoạn 2011 - 2021, qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), ngành Thanh tra tỉnh Hà Giang đã chuyển 15 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực sang cơ quan điều tra.

Thời gian vừa qua, toàn ngành Thanh tra Hà Giang đã triển khai 1.404 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; đã ban hành 1.376 kết luận. Qua thanh tra phát hiện sai phạm tổng số tiền hơn 395 tỷ đồng và 2.256,3 ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước số tiền trên 111 tỷ đồng và 2.252,7 ha đất; kiến nghị khác gần 284 tỷ đồng và 5,22 ha đất. Qua thanh tra đã chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự sang cơ quan điều tra Công an tỉnh, Công an huyện để điều tra, khởi tố. Cụ thể: 4 vụ có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, 1 vụ có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, 3 vụ có dấu hiệu nhiều loại tội phạm.

Về công tác giải quyết KNTC, tổng số vụ việc là 419, đã giải quyết 411/419 vụ, đạt tỷ lệ 98%. Qua công tác giải quyết tố cáo, phát hiện 7 vụ có dấu hiệu tội phạm đã chuyển cơ quan công an giải quyết theo thẩm quyền.

leftcenterrightdel
 Ngành Thanh tra tỉnh Hà Giang đã chuyển 15 vụ việc sang cơ quan điều tra trong giai đoạn 2011 - 2021. Ảnh: thanhtratinh.hagiang.gov.vn

Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã được quan tâm. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được cơ quan Thanh tra chuyển sang cơ quan Điều tra xử lý theo thẩm quyền, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra. Trong tổng số 15 vụ việc chuyển cơ quan công an để điều tra, làm rõ, theo Kết luận của cơ quan Công an thì có 14/15 vụ việc có dấu hiệu tội phạm 1 vụ không có dấu hiệu tội phạm. Đã khởi tố 14 vụ với 21 đối tượng. Đến 31/12/2021, đã xét xử 10 vụ, đang điều tra 4 vụ.

Bên cạnh đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, theo quy định của pháp luật, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên phối hợp để trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm đã được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, điều tra; kịp thời trao đổi thông tin, kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra về những vụ việc, những lĩnh vực trọng điểm mà cơ quan Thanh tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng quan tâm.

Vì vậy, các vụ việc, vụ án đều được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, các tổ chức Thanh tra đã tiến hành chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra.

Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thời gian tới, toàn ngành Thanh tra Hà Giang cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm; chú trọng hoạt động tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong việc PCTN, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở liêm chính, có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; kiểm tra giám sát, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý tin tức, tài liệu về PCTN, tiêu cực, nhất là những phản ánh, tố giác từ quần chúng nhân dân và đảng viên tại cơ sở; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát chặt chẽ sự hình thành, dịch chuyển sở hữu của những khối tài sản lớn. Thực hiện tốt các Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan; tăng cường trao đổi thông tin, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc các vụ việc có tính chất phức tạp qua công tác giải quyết đơn thư, công tác thanh tra, cần trao đổi kịp thời để thống nhất quan điểm xử lý, tránh để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực thi nhiệm vụ của công chức tham gia các đoàn thanh tra, giải quyết KNTC; đẩy mạnh việc thực hiện nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, chú trọng tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN, tiêu cực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức cơ sở làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng hoặc dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm toán; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra