Nhận diện “lợi ích nhóm” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, từ góc nhìn tội phạm tham nhũng trong phòng, chống Covid-19

Thứ sáu, 26/08/2022 16:27
(ThanhtraVietNam) - Ngoài các loại tội phạm tham nhũng “truyền thống” đã có từ trước đến nay, thì hiện đã phát sinh “tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, cụ thể như: Việc thu tiền để được tiêm chủng vắc xin tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước, làm giả giấy nhận diện QR Code để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

Đặc biệt là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) liên quan đến việc “thổi giá” kít xét nghiệm Covid-19 thu lợi bất chính, đáng nói là vụ án này có khá nhiều đơn vị trong khu vực công cùng “bắt tay” với Công ty Việt Á để nâng giá kít xét nghiệm Covid-19. Đây là một dấu hiệu “lợi ích nhóm” nhằm mục đích kiếm lợi, hưởng “hoa hồng” mà không tính đến hiệu quả đầu tư, lợi ích của Nhân dân. Do vậy, việc nhận diện “lợi ích nhóm” để có những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay trở lên cấp thiết và là đòi hỏi khách quan.

1. Nhận diện “lợi ích nhóm” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Lợi ích là một trong những động lực quan trọng trực tiếp thúc đẩy hành động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, gia đình, tập thể, giai cấp, dân tộc và xã hội(1). Lợi ích, xét đến cùng, chính là mục tiêu, động lực, phương thức để thực hiện nhu cầu trong hoạt động thực tiễn, nhất là trong quan hệ xã hội, trong đấu tranh xã hội.

“Lợi ích nhóm” là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách của Chính phủ, là những nhóm vận động hành lang để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thức có lợi cho phe nhóm của mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng(2). Khái niệm này, có thể được dựa trên quan niệm về lợi ích nhóm ở phương Tây khi sử dụng khái niệm “vận động hành lang” để định nghĩa lợi ích nhóm. Có thể nó chưa thực sự phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam - khi mà đất nước ta chưa chính thức thừa nhận lợi ích nhóm và tạo hành lang pháp lý cho nó hoạt động. Nhưng điều này không có nghĩa là lợi ích nhóm đó không tồn tại.

“Lợi ích nhóm” là một cụm từ, một thuật ngữ đang được nhắc đến nhiều trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đang làm cho nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các tầng lớp Nhân dân quan tâm nhìn nhận, mổ xẻ dưới nhiều cách nhìn với các cấp độ, góc độ khác nhau. Lợi ích thường liên kết con người với nhau, và vì vậy phân chia ra các nhóm, giai tầng khác nhau. Chính vì thế mà có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, hay lợi ích giai cấp... Từ “lợi ích nhóm” có thể hình thành nên nhóm lợi ích, nhóm xã hội. Mặt trái của nền kinh tế thị trường làm xuất hiện ngày càng nhiều nhóm lợi ích khác nhau, các nhóm này vừa có thể có lợi ích chung, vừa có lợi ích riêng, có lợi ích tích cực, có lợi ích tiêu cực. Đặc biệt, Đảng ta đã khẳng định “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm(3).

Sinh thời, trong một số bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa sử dụng khái niệm “lợi ích nhóm”, nhưng nội hàm của nó được hiểu là óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu… và Người cũng cảnh báo, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, những vấn nạn này ngày càng phát triển tại các cơ quan công quyền. Cụ thể, theo Người: Óc địa phương “là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể(4).

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, “lợi ích nhóm” ban đầu chỉ đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, “chung nhau làm ăn, đôi bên cùng có lợi”. Nhưng rồi, cùng với thời gian, lợi ích cục bộ đó bây giờ không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “sự ăn cánh”, “đường dây” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung(5). “Lợi ích nhóm” thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì “đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó(6). “Lợi ích nhóm” kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật.

“Lợi ích nhóm” tiêu cực biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Ở đất nước ta, trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, nhóm lợi ích tiêu cực ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Sự móc nối của các nhóm lợi ích tiêu cực đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, cho sự an nguy của đất nước. Đặc biệt, thời gian gần đây bên cạnh tội phạm tham nhũng, tiêu cực “truyền thống”, thì hiện đã phát sinh “tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19”, đây là biểu hiện mới của “lợi ích nhóm” tiêu cực hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, bản chất của “lợi ích nhóm” tiêu cực chính là sự cấu kết, móc ngoặc của những người có quyền lực với nhau hoặc người có quyền lực với doanh nghiệp bất liêm nhằm trục lợi, tham nhũng. Để mưu cầu, giành giật, chiếm đoạt lợi ích vật chất, danh tiếng, quyền lực cho bản thân và phe nhóm mình, tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước.

Hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành. Đặc biệt, là “lợi ích nhóm” trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đi sâu vào nghiên cứu các vụ tiêu cực, tham nhũng có tổ chức, các vụ việc mà dư luận có nhiều ý kiến sẽ có thông tin cụ thể về tình hình “lợi ích nhóm” ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Nguồn internet 

2. Thực trạng tội phạm tham nhũng trong phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam hiện nay

Thực tế trong thời gian qua đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với một số hành vi phổ biến như mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh; lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi… có thể kể đến một số vụ án điển hình như sau:

Vụ án thứ nhất, xảy ra tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương liên quan đến việc trục lợi từ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Cụ thể: Lê Văn Thắng là người giữ xe của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, còn Nguyễn Thái Hiệp là bác sĩ khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên. Cả hai đã cấu kết với nhau để tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 94 người không thuộc đối tượng được tiêm nhằm trục lợi với tổng số tiền trên 45 triệu đồng. Ngày 06/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Văn Thắng về tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và Nguyễn Thái Hiệp về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Liên quan đến vụ án này, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Đặng, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên vì chưa làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Vụ án thứ hai, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan. Cụ thể: Ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. Được giao mua sắm thiết bị chống Covid- 19, nhưng Giám đốc CDC Hà Nội đã câu kết doanh nghiệp tư nhân để nâng khống giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Cụ thể: CDC Hà Nội mua các thiết bị của gói thầu số 15 gồm hệ thống Realtime PCR tự động, máy tách chiết DNA/RNA, 1 tủ lạnh và 1 tủ mát. Tuy nhiên, bị can Nguyễn Nhật Cảm là Chủ tịch Hội đồng mua sắm của CDC Hà Nội đã câu kết với nhân viên, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân để tự thỏa thuận giá gói thầu số 15 với giá được nâng lên 9,5 tỷ đồng (trong khi Hội đồng định giá tố tụng Trung ương xác định các tài sản trong gói thầu số 15 có giá thị trường là hơn 4,1 tỷ đồng).

Với những sai phạm đó, vào cuối năm 2020, Toà án nhân dân (TAND) Thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm 10 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh - nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; và 7 bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù giam cùng về tội “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sự việc tại CDC Hà Nội và doanh nghiệp bị khởi tố do sai phạm trong mua máy xét nghiệm Covid-19 đã làm “lộ sáng”, nhiều địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc về sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị phòng chống dịch.

Vụ án thứ ba, vụ án nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á theo quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo kết quả điều tra bước đầu đã xác định Công ty Việt Á cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng(7). Cụ thể: Ông Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Á lợi dụng thị trường khan hiếm “bắt tay” với Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại một số địa phương để nâng khống giá kit test Covid-19 nhằm trục lợi. Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC của một số địa phương như:

 - Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

 - Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid cho CDC Bình Dương tổng giá trị trên 40 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương, là người trực tiếp ký tên trên quyết định chỉ định thầu rút gọn đối với Công ty Việt Á. Ngoài ra, CDC Bình Dương còn phê duyệt Công ty Việt Á trúng thầu chỉ định gói 6,9 tỷ đồng, cung cấp 50.000 kit từ một hãng sản xuất của Mỹ với giá 250.000 đồng/kit.

 - Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Bắc Giang và một số đồng phạm khác tổng giá trị trên 148 tỷ đồng. Cụ thể: Ông Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC Bắc Giang, ông Phan Huy Văn - Giám đốc Công ty Phan Anh (trụ sở tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) và Phan Thị Khánh Vân (kinh doanh tự do, chị gái của Huy Văn) đã có hành vi thông đồng, cấu kết với Công ty Việt Á thực hiện các hành vi trái pháp luật khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do công ty này sản xuất nhằm thu lợi bất chính. Qua điều tra, Cơ quan Công an xác định ông Huy Văn và bà Phan Thị Khánh Vân còn thỏa thuận, nhận trên 44 tỷ đồng tiền hoa hồng từ Công ty Việt Á sau thương vụ mua bán kit xét nghiệm. Sau đó bà Phan Thị Khánh Vân đã chi một phần tiền “lại quả” cho ông Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC Bắc Giang.

Liên quan đến vụ việc Công ty Việt Á cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, hiện Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn doanh nghiệp, cá nhân cũng lợi dụng dịch bệnh để buôn bán, đưa ra các dịch vụ kiếm lời. Điển hình là việc nâng giá các loại lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu; nâng giá dược phẩm, thuốc chữa bệnh; thậm chí có trường hợp buôn bán thuốc chữa Covid-19 giả, lừa dối chữa bệnh trên mạng xã hội... Ngoài ra còn xuất hiện những kẻ mạo danh các tổ chức chính trị-xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân quyên góp tiền của, vật chất ủng hộ công tác phòng, chống dịch để thu lợi bất hợp pháp. Một số khác còn lợi dụng việc người dân làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… muốn về quê tránh dịch để mời chào đưa đón với giá dịch vụ cao ngất ngưởng, rất đáng lên án và xử lý.

Việc lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách cho phép rút gọn vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu của Nhà nước để nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 để trục lợi, thu lợi nhuận khủng, rồi móc nối, chia % hoa hồng cho lãnh đạo CDC, đơn vị y tế, đã từng được nhận định đó là “…sự kết nối các mối quan hệ công tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen lẫn nhau. Nhiều chuyên gia ví khu vực công - tư như “bình thông nhau”, bởi trong nhiều trường hợp, khu vực tư chính là nơi nơi trú ẩn, “rửa tiền”, là “sân sau” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công(8).

Có thể thấy: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế-xã hội và tác động tiêu cực đến đời sống của Nhân dân trong nước nói riêng và thế giới nói chung. Trong thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã dốc sức, dốc lòng, cùng nhau phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh. Rất nhiều doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đã tự nguyện đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm và nhiều thứ khác để mua vaccine ngừa Covid-19, mua trang thiết bị y tế, hỗ trợ an sinh xã hội. Trong thời gian giãn cách xã hội cao điểm tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc lợi dụng dịch bệnh, bất chấp sự khó khăn của đất nước, của các địa phương, bất chấp nỗi khổ của đồng chí, đồng bào để trục lợi có thể xem là một tội ác đối với đất nước và Nhân dân.

Có thể khẳng định rẳng: Kiểm soát, ngăn chặn “lợi ích nhóm” tiêu cực là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp hiện nay. Bởi lẽ, “lợi ích nhóm” tiêu cực đã ăn sâu, bám rễ ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực, thậm chí ở cả những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, cấp bách của đất nước. Hiện tại “lợi ích nhóm” có sự liên kết với nhau một cách tinh vi, chặt chẽ hơn, nên rất khó phát hiện, ngăn chặn. Sự cấu kết giữa những người có chức, có quyền với doanh nghiệp tiếp tục sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Do vậy, thiết nghĩ cần có giải pháp ngăn chặn “lợi ích nhóm” tiêu cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam để góp phần kiểm soát, ngăn chặn “lợi ích nhóm” tiêu cực và phát triển của đất nước ta.

3. Giải pháp ngăn chặn “lợi ích nhóm” tiêu cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí, hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, cụ thể: Trước hết, phải đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đảng viên, cán bộ, công chức để xây dựng đạo đức liêm khiết trong đội ngũ cán bộ nhà nước; tiếp đến, kiên trì tiếp tục đưa giáo dục liêm chính, không tham nhũng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo phổ thông và chuyên nghiệp để tạo nguồn cho cán bộ, công chức nhà nước tương lai có ý thức “đề kháng” với tham nhũng và cuối cùng là phải hình thành được lối sống trọng liêm sỉ, trọng danh dự, lên án, phê phán tham nhũng trong xã hội.

Thứ hai, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cập nhật, bao quát những nội dung mới nảy sinh trong quá trình vận động, phát triển của thực tiễn; bảo đảm quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên, được “nhốt” vào trong “lồng” cơ chế; tăng tính răn đe bằng khung hình phạt và sự ràng buộc liên đới trách nhiệm xã hội đối với bố, mẹ, vợ, chồng, các con của người tham nhũng. Đồng thời, quyết liệt thực hiện “không có vùng cấm” trong công tác bảo vệ, thực thi pháp luật; mọi hành vi tham nhũng, liên quan, liên đới... đều bị điều tra, xét xử đúng người, đúng tội và bị trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật, bất kể người đó là ai, giữ cương vị, trọng trách nào trong hệ thống chính trị, để không dám tham nhũng.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ thực chất ở các cấp có tâm, có tầm và có tài; trong đó, chú trọng từ khâu tuyển chọn, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật cán bộ công khai, minh bạch để khắc phục triệt để “lợi ích nhóm” và vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Thực hiện nghiêm túc quy chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ và kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, “lợi ích nhóm” để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Phải thường xuyên bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, phòng, chống 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên tự soi, tự sửa với tinh thần “còn Đảng thì còn mình” và “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. 

Thứ tư, để thực hiện có hiệu quả cơ chế không dám tham nhũng, cần xét xử nghiêm minh đối với các vụ án tham nhũng, kịp thời và công khai, với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi và hậu quả đã gây ra. Áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để đối với các hành vi tham nhũng dù người đó là ai, giữ bất cứ cương vị gì cũng phải xử lý. Song song đó, Nhà nước cần sớm đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đây được xem là một phương án phòng, chống hữu hiệu đối với nạn tham nhũng; bởi lẽ, cán bộ, công chức, viên chức có nền tảng học thức cao và có ham muốn cống hiến cho đất nước thì không thể chấp nhận một mức lương thấp, bất hợp lý, chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản thiết yếu của cuộc sống bình thường. Vì vậy cần phải có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức như: Nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức thuê trọn đời hoặc được mua với giá hợp lý, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt và làm việc và nâng mức lương của cán bộ, công chức đủ nuôi sống bản thân, gia đình và có tích luỹ thì mới hạn chế được tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” ở Việt Nam hiện nay.

Nhận diện rõ “Lợi ích nhóm” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là cơ sở để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và “lợi ích nhóm” tiêu cực trong xã hội hiện nay góp phần xóa bỏ lực cản lớn trong xây dựng, phát triển đất nước./.

Chú thích:

(1; (2)  Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam;

(3) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tr.202;

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.296;

(5)  Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2017, tr.90-91;

(6) Nguyễn Văn Mạnh: Một số ý kiến về “lợi ích nhóm” ở Việt Nam hiện nay;

(7) https://tuoitre.vn/ban-chi-dao-tw-ve-phong-chong-tham-nhung-dua-vu-viet-a-vao-dien-theo-doi-chi-dao-20211230192839313.htm;

(8) Ths.Lê Quang Kiệm: Tham nhũng trong khu vực tư theo cách nhìn từ cơ sở lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1). Nguyễn Phú Trọng (2021): Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, với quyết tâm chính trị cao và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, chúng ta nhất định sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, Tạp chí Cộng sản, số 957;

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập 2;

(3). Bùi Sỹ Lợi (2018): Đấu tranh chống tham nhũng không khoan nhượng - một quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương;

(4). Phan Đình Trạc (2020): Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Tạp chí Cộng sản điện tử.

Luật gia - Ths.Lê Quang Kiệm
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra