Nhận diện và những giải pháp hạn chế trong công tác PCTN tại Quảng Ngãi

Thứ sáu, 24/06/2022 15:00
(ThanhtraVietNam) – Mười năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đồng thời cũng nhận diện và đưa ra nhiều giải pháp đối với những tồn tại, hạn chế để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác PCTN trong những năm tiếp theo.

Mặc dù trong 10 năm thực hiện công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, các cơ quan thanh tra trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phấn đấu, xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất; quản lý và sử dụng tài chính công; đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện chính sách về đền bù, hỗ trợ và tái định cư v.v... Gắn công tác thanh tra với việc phát hiện, làm rõ và kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng; qua đó, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan tố tụng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, đảm bảo việc giải quyết các vụ án tham nhũng đúng trình tự, thủ tục, nội dung luật định, cố gắng giảm án tồn đọng ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tổ chức thực hiện còn nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức; hiệu quả của một số biện pháp còn thấp; trách nhiệm của người đứng đầu trong chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng còn thấp; chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe khi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng; sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác PCTN, tiêu cực và trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng có lúc, có nơi, có vụ việc chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ; tự kiểm tra trong nội bộ các cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, chưa phát huy hết vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên và vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội đoàn thể, ban thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị. Việc công khai, minh bạch hoạt động trong một số cơ quan, đơn vị có lúc chưa nghiêm túc, đầy đủ. Việc xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp ở một số nơi còn mang tính hình thức, thiiếu chế tài cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, kết quả chưa đáp ứng được yêu câu.

leftcenterrightdel
Quảng Ngãi nhận diện và có giải pháp đối với những hạn chế trong công tác PCTN 

Trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng của từng ngành chuyển biến chưa toàn diện, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu lực lượng, cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ cũng như cán bộ tham mưu quản lý nhà nước; vấn đề tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ đó, UBND tỉnh nhận thấy những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong thời gian tới như công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và trong các tầng lớp nhân dân cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng để có được nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự nguy hiểm của tham nhũng và nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công tác PCTN, tiêu cực. Triển khai có hiệu quả đề án đưa nội dung PCTN, tiêu cực vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng. Tích cực vận động và có cơ chế huy động toàn xã hội cùng tham gia PCTN, tiêu cực.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong nội bộ đơn vị nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời vi phạm; giáo dục đạo đức cách mạng, liêm chính, không tham nhũng, lãng phí cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức đến công tác PCTN, tiêu cực, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác PCTN tại đơn vị mình quản lý, xem đây là tiêu chí để đánh giá thi đua khen thưởng hàng năm, xác định nhiệm vụ PCTN, tiêu cực là của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đối với cán bộ, công chức, đảng viên cần thường xuyên tự nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến thực thi công vụ, nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, cần có quy định hướng dẫn cụ thể về hệ thống các cơ quan chuyên trách thực hiện công tác PCTN từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo hoặc bỏ ngỏ các lĩnh vực trong hoạt động PCTN, tiêu cực. Trên cơ sở đó có các biện pháp kiện toàn, củng cố theo hướng thống nhất hóa, chuyên môn hóa, với các chế độ, chính sách đặc thù, có quyền hạn tương xứng với nhiệm vụ được giao để có thể đảm đương tốt công tác PCTN, tiêu cực trong điều kiện tình hình hiện nay, đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng../
H.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra