Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Sơn La

Thứ sáu, 30/09/2022 16:39
(ThanhtraVietNam) - Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của tỉnh Sơn La trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã nâng cao nhận thức về công tác PCTN, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo và hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2021 theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ- CP và Quyết định số 56-QĐ/TW. Đặc biệt, hoàn thành việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2021, ủy ban nhân dân tỉnh đã có báo cáo kết quả gửi về Thanh tra Chính phủ đảm bảo đúng thời gian theo chỉ đạo.

Kết quả tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2021 của tỉnh Sơn La đạt 71/100 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2020 (đạt 69.09/100 điểm).

Các đơn vị, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát hiện và xử lý tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham những, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.

Nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN

Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được các cấp, các ngành tuyên truyền bằng các hình thức như: tại các cuộc họp giao ban, lồng ghép trong các hội nghị học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, sinh hoạt Đảng bộ, Chi bộ; đăng tải trên Trang thông tin điện tử, Hệ thống phần mềm văn bản quản lý và điều hành của cơ quan, các cơ sở giáo dục đưa nội dung PCTN vào giảng dạy.

Cụ thể, các đơn vị, địa phương đã mở được 750 cuộc tuyên huyền, phổ biến cho 46.771 lượt người nghe; Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm truyên thông văn hóa các huyện, thành phố đã đưa 105 tin bài, 33 ảnh và 26 buôi tuyên truyên. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập; các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác cải cách hành chính; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi vi phạm, tham nhũng, lãng phí...

Trong kỳ báo cáo, toàn tỉnh đã có 49 cơ quan, tổ chức được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, qua kiểm ưa không có trường hợp vi phạm.

Các trường THPT thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo đã giảng dạy nội dung PCTN cho 36.292 học sinh: khối 10 có 13.754 học sinh, khối 11: 11.637 học sinh, khối 12: 10.901 học sinh với tổng số 1.604 tiết học, bao gồm cả tiết học chính khóa và hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp. Các trường cao đẳng, dạy nghề, Đại học Tây Bắc và trường Chính trị tỉnh đã giảng dạy nội dung PCTN cho 4.016 sinh viên, học viên.

Tập trung xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Trong năm vừa qua, UBND tỉnh ban hành 03 Nghị quyết và ban hành 07 Quyết định theo thẩm quyền về quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn về quản lý tài chính ngân sách, quản lý tài sản công... để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát và ban hành 99 văn bản, sửa đổi, bổ sung; triển khai 36 cuộc kiểm tra, thanh tra; số vụ vi phạm chế độ, định mức, tiêu chuẩn là 16 vụ; số người vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ 68 người (chủ tài khoản, kế toán) tại 03 huyện (Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu) với giá trị sai phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được thu hồi là 323 triệu đồng, đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt các quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ; Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 02/7/2019 của UBND tỉnh về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với doanh nghiệp, công dân.

Điển hình là huyện Sông Mã đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức đối với 39 phòng ban, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, nhìn chung cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy nhà nước. Qua công tác kiểm tra đã giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công dân.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ. Trong kỳ báo cáo, các đơn vị, địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 275 người theo danh mục vị trí công tác định kỳ phải chuyển đổi.

Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên quán triệt, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hiệu quả công tác PCTN trong kỳ báo cáo so với cùng kỳ trước đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã nâng cao nhận thức về công tác PCTN, xác định công tác PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Chất lượng xây dựng thể chế, các quy định của pháp luật về PCTN được nâng lên; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; cơ chế chính sách, các văn bản quy định về quản lý kinh tế - xã hội thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; các cơ quan tham mưu cơ bản đã làm tốt việc hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện đảm bảo về đối tượng, thời gian kê khai, công khai theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng tuy nhiên tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt còn hạn chế. Người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị trong thực hiện các quy định về PCTN, tiêu cực chưa thật chủ động; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Theo đó, để thực hiện tốt công tác PCTN, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về PCTN. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCTN đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: công khai minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị, xây dựng các chế độ định mức tiêu chuẩn...; công tác cải cách hành chính; triển khai kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN chân chỉnh các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị. Các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử thực hiện tốt việc phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.

Ngoài ra, người đứng đầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện tốt các nhiệm vụ trong kế hoạch PCTN năm 2022; tăng cường việc kiểm tra nội bộ để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực đặc biệt là việc phòng, chống, phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt” trong thực thi nhiệm vụ.

Các cấp, các ngành nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo công tác PCTN, nội dung báo cáo phải phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả thực hiện công tác PCTN của đơn vị, địa phương. Cũng như, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, kịp thời giải quyết các nội dung tố cáo có dấu hiệu, hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra