Nhìn lại 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Lai Châu

Thứ sáu, 09/09/2022 15:44
(ThanhtraVietNam) - Đánh giá tình hình tham nhũng trên địa bàn không có nhiều những diễn biến phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên, UBND tỉnh Lai Châu luôn chủ động tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.

Quan tâm tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; cũng như kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Đồng thời, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 41 hội nghị tập huấn về PCTN, tiêu cực cho 4.370 lượt cán bộ, công chức, viên chức; phát hành 3.152 đầu sách; giảng dạy 1.965 lớp cho 71.662 học sinh, sinh viên; tuyên truyền 5.170 buổi cho 338.688 lượt người dân tham gia; phát sóng 365 tin, 182 bài phóng sự trong các chương trình thời sự phát thanh, truyền hình tiếng phổ thông và được biên tập, biên dịch ra thành 04 thứ tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì) tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương và phát sóng ở các Đài, Trạm trong toàn tỉnh.

Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến được các cấp, các ngành thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức Hội nghị tập huấn; biên soạn, phát hành tài liệu; phát sóng, duy trì chuyên trang, chuyên mục trên Báo Lai Châu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; tuyên truyền thông qua Ngày Pháp luật; giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Qua công tác quán triệt và tuyên truyền pháp luật về PCTN, tiêu cực tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh, củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện cải cách hành chính và quy chế dân chủ ở cơ sở. Tập trung công khai các lĩnh vực như: Công khai dự toán, quyết toán ngân sách; quản lý tài chính; quản lý đất đai, tài sản công; quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC); kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra... được giao theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, việc giải trình đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 27/5/2019 thành lập Tổ kiểm hoạt động công vụ tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thực tế, Tổ kiểm tra đã thực hiện kiểm tra 06 cơ quan, đơn vị (03 quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và 03 đơn vị cấp huyện). Qua công tác kiểm tra, cơ bản các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt theo chức trách, nhiệm vụ được giao, không có tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà đối với với cá nhân và tổ chức. Ngoài những mặt làm được của các đơn vị được kiểm tra, Tổ kiểm tra cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại hạn chế, trên cơ sở đó đã kiến nghị, đề xuất các biện pháp thực hiện tốt công tác công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

Về việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, UBND tỉnh Lai Châu luôn xác định đây là một trong những giải pháp để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. Do đó đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt nội dung các Nghị định của Chính phủ tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình, qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi vị trí công tác, tạo sự đồng thuận và yên tâm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chuyển đổi vị trí công tác. Các cơ quan, đơn vị căn cứ hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương tiến hành rà soát vị trí cần chuyển đổi, xây dựng kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi theo quy định.

Từ năm 2012 đến tháng 3/2022, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 1.129 lượt người.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại 131 cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó: Cấp tỉnh 17/20 cơ quan; 08 huyện, thành phố; 106 xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện theo Đề án một cửa và Quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Giải quyết hồ sơ TTHC theo phương án “5 tại chỗ”

Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 03/9/2019, thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết các TTHC, theo dõi, giám sát đánh giá thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành của tỉnh. Việc thực hiện giải quyết TTHC theo phương án 5 tại chỗ áp dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã đem lại những lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 công bố 148 danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn thực hiện phương án 5 tại chỗ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Kết quả, có 05 sở đã triển khai thực hiện giải quyết một số TTHC theo phương án 5 tại chỗ với tổng số 92 TTHC; đã tiếp nhận và giải quyết 5.009/9.799 hồ sơ, chiếm 51% tổng số hồ sơ đã được giải quyết.

Việc giải quyết hồ sơ TTHC theo phương án “5 tại chỗ” được thực hiện công khai, minh bạch, nhanh chóng, trả kết quả ngay trong ngày. Qua đó, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ do các sở, ngành cử đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết; không để xảy ra tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết TTHC. Đến nay, tổng số TTHC công được áp dụng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh là 2.033 thủ tục, trong đó số TTHC công được áp dụng mức độ 3 hoặc 4 tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là 1.079 thủ tục; cập nhật trên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.909 TTHC; thực hiện tích hợp 253 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đến nay đã có 764/1.071 dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 71,3%.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành văn bản và chỉ đạo Thanh tra tỉnh hàng năm ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập cho người có nghĩa vụ phải kê khai. Từ năm 2012 đến năm 2021, 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh tiến hành xác minh 01 trường hợp (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) kê khai tài sản, thu nhập, kết quả xác minh đã chỉ ra giá trị tài sản nhà, đất, giá trị góp vốn đầu tư chưa rõ ràng; một số nội dung kê khai thừa, thiếu; tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với cá nhân có liên quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập chưa phát hiện có vụ việc tham nhũng qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 11 vụ tham nhũng. Các cơ quan tố tụng đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử 11 vụ việc với 28 bị can gây thiệt hại tổng số tiền 134.837 triệu đồng. Kết quả thu hồi tài sản và khắc phục thiệt hại do tham nhũng là 30.323 triệu đồng (đạt 22,48%).

Công tác PCTN luôn được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời

Nhìn chung, công tác PCTN, tiêu cực luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực được thực hiện đa dạng, phong phú, cụ thể và thiết thực phù hợp với đối tượng tuyên truyền; các nội dung PCTN, tiêu cực được đưa vào giảng dạy thường xuyên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; các cấp, các ngành chấp hành tốt việc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; thường xuyên rà soát, sửa đổi các văn bản quy định về chế độ định mức, tiêu chuẩn phù hợp với quy định hiện hành; cải cách hành chính đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng ban hành để các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương.

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Lai Châu (Ảnh: Internet) 

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân khi giao dịch, giải quyết công việc với cơ quan nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, các cơ quan đơn vị đã chủ động thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt; giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phát hiện, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng được quan tâm thực hiện. Thực hiện các quy chế phối hợp trong PCTN giữa các cơ quan, đơn vị được duy trì thường xuyên, liên tục.

Mặc dù vậy, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác; việc thực hiện công tác kê khai tài sản còn lúng túng; công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực hiệu quả chưa cao; phát hiện hành vi tham nhũng thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tự kiểm tra nội bộ còn hạn chế; chưa phát huy được sức mạnh toàn dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức nói chung còn thấp, chưa đảm bảo ổn định cuộc sống; chưa có chế độ đãi ngộ thỏa đáng mang tính đặc thù cho đội ngũ công chức làm công tác PCTN, tiêu cực; việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo về PCTN, tiêu cực của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, chưa phản ánh, đánh giá đúng tình hình thực tế của đơn vị mình.

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác PCTN

Từ thực trạng công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian qua, việc đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực là rất cần thiết nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu cũng đã đặt ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác PCTN trong thời gian tới:

Một là, xây dựng, hoàn thiện cơ quan chuyên trách cấp tỉnh có đủ thẩm quyền, chịu trách nhiệm chính về công tác PCTN, tiêu cực, đồng thời tăng số lượng biên chế cho bộ phận làm công tác PCTN, tiêu cực của ngành Thanh tra.

Hai là, cần quy định chế tài xử lý vi phạm cụ thể đối với những hành vi vi phạm trong quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để mang tính chất răn đe, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác PCTN, tiêu cực.

Ba là, tăng cường trau dồi phương pháp, kỹ năng cho công chức một số tổ chức thanh tra để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa tham nhũng./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra