Hà Nam:

Tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính Nhà nước

Thứ năm, 02/06/2022 10:05
(ThanhtraVietNam) - Một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đã được các cơ quan thanh tra phát hiện qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); phòng, chống tham nhũng (PCTN) và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Thanh tra tỉnh Hà Nam cho biết, giai đoạn từ 01/01/2011 đến 31/12/2021, toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã triển khai 2.788 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành chính và chuyên ngành đối với 35.326 tổ chức, cá nhân. Qua đó, đã phát hiện 26.120 tổ chức, cá nhân có sai phạm; tổng sai phạm là 342.511,5 triệu đồng; 19.226,88 đô la Mỹ; 2.193,321 m2 đất. Các sai phạm chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, kinh doanh xăng dầu, thương mại, an toàn thực phẩm, chăn nuôi thú y... Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước 52.569,5 triệu đồng; 19.226,88 đô la Mỹ; 709.718,5 m2 đất; giảm trừ giá trị quyết toán 21.343 triệu đồng; kiến nghị khác 168.361,2 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện, công tác phối hợp về PCTN, tiêu cực, nhất là trong phát hiện, đấu tranh xử lý hành vi tham nhũng có lúc còn hạn chế, có vụ án còn kéo dài; việc tự kiểm tra. giám sát phát hiện tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân khách quan khách quan được chỉ ra là do việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Luật PCTN bao gồm nhiều nội dung, có liên quan đến quy định của nhiều văn bản pháp luật khác nhau, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là công tác phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN, tiêu cực đã làm hạn chế đến kết quả thực hiện.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là có những vụ việc còn đùn đầy trách nhiệm, thời gian xét xử của các cơ quan điều tra, tố tụng còn kéo dài. Thủ trưởng một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác PCTN, tiêu cực, còn ngại va chạm. Ngoài ra, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, triển khai thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, việc tự kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế; công tác thanh, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính Nhà nước chất lượng chưa cao, một số vi phạm trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vẫn còn tình trạng chưa chủ động nắm bắt tình hình để tham mưu, chỉ đạo thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực còn ít.

Trong thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Công điện 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; Chỉ thị số 769/CT-TTCP cùa Thanh tra Chính phủ ngày 17/5/2019 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Kiến nghị, yêu cầu xử lý trách nhiệm về hành chính, kỷ luật đảng và hình sự (nếu có) đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân có sai phạm trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra