Thu hồi tiền, tài sản tham nhũng hơn 10.000 tỷ đồng qua Thi hành án dân sự

Thứ hai, 26/09/2022 15:02
(ThanhtraVietNam) - Tại Báo cáo số 283/BC-CP ngày 22/8/2022 của Chính phủ cho thấy, công tác Thi hành án dân sự (THDS) năm 2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Đáng chú ý, qua thi hành 1.493 việc, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng hơn 10.000 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 xác định: "Thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án". Chính phủ tiếp tục xác định nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính (THAHC) nói chung và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong THADS; tăng cường công tác phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện kiểm sát nhân dân (Viện KSND) tối cao, cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đại biểu dân cử trong THADS, nhất là những vụ việc thi hành án có giá trị lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã tập trung triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để cùng với Ngành Tư pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS. Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 liên quan đến công tác THADS theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) về PCTN, tiêu cực. Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND cấp tỉnh cũng thường xuyên, chủ động phối hợp chặt chẽ với TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Ban Nội chính Trung ương để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến THADS, nhất là các vụ việc thi hành án lớn, phức tạp trong vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện BCĐTW về PCTN, tiêu cực theo dõi.

leftcenterrightdel
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đã thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 10 nghìn tỷ đồng qua công tác THADS. Ảnh: VGP/Lê Sơn. 

Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư, Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của BCĐTW về PCTN, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương, nhận thức và hành động của các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, và người dân về công tác PCTN, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt. Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh/thành ủy đã tích cực chỉ đạo, phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Bộ Công an đã tăng cường các biện pháp chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong toả tài sản, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản ngay từ giai đoạn điều tra. Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập Tổ công tác giải quyết việc THADS trong Quân đội đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện BCĐTW về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra; chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục duy trì Tổ công tác của Tổng cục THADS tại phía Nam (đặt trọng tâm theo dõi, hỗ trợ, đôn đốc việc thi hành án liên quan đến án tham nhũng, kinh tế). Định kỳ hàng tháng, Bộ Tư pháp đã kịp thời báo cáo Ban Nội chính Trung ương kết quả thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế và tiến độ xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện BCĐTW về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế 10 tháng năm 2022 đã đạt kết quả cao. Tổng số phải thi hành là 3.846 việc, tương ứng với hơn 88 nghìn tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là 2.785 việc tương ứng với trên 50 nghìn tỷ đồng. Đã thi hành xong 1.493 việc, tương ứng với trên 10.000 tỷ đồng , tăng hơn 8 nghìn tỷ, tương đương tăng 414,3% về tiền so với cùng kỳ năm 2021.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, PCTN, tiêu cực, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác THADS năm 2022, trong đó, hệ thống THADS tiếp tục thực hiện việc tự kiểm tra; Tổng cục THADS tiến hành kiểm tra toàn diện, chuyên đề và phúc tra lại kết quả tự kiểm tra của một số Cục THADS8. Các cơ quan THADS cơ bản đã chủ động và nghiêm túc trong việc ban hành Kế hoạch và thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra đảm bảo đúng thời hạn theo yêu cầu. Theo đó, 100% các Cục, Chi cục THADS ban hành và thực hiện Kế hoạch tự kiểm tra và kiểm tra; Cục THADS kiểm tra toàn diện tối thiểu 1/3 số Chi cục trên địa bàn. Tập trung kiểm tra công tác xác minh, phân loại án; công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; thẩm định giá, đấu giá, giao tài sản cho người trúng đấu giá để thi hành án.

Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã thành lập 13 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất, toàn diện và chuyên đề thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ; xác minh, phân loại điều kiện thi hành án; bán đấu giá tài sản thi hành án; phúc tra kết quả tự kiểm tra. Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đã kiểm tra tại 04 đơn vị.

Bộ Tư pháp đã tiến hành 21 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra đột xuất, thanh tra để phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến THADS địa phương. Qua thanh tra cho thấy nhiều đơn vị đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật về THADS, tổ chức cán bộ, quản lý, sử dụng kinh phí hành chính và tài sản công; một số thiếu sót, vi phạm đã kịp thời được chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc.

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong các cơ quan THADS, quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐTW về PCTN, tiêu cực về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, PCTN, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực, Bộ Tư pháp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát công tác phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm; chỉ đạo khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Trong 10 tháng năm 2022, thông qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra, công tác phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, đã phát hiện và xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với 25 trường hợp do vi phạm về nghiệp vụ, vi phạm về PCTN; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý về hình sự đối với 03 trường hợp.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện BCĐTW về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thi hành án theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh, PCTN, tiêu cực trong lĩnh vực THADS, kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, THAHC, trong đó trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với công tác thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án. Kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực hay suy thoái về đạo đức, lối sống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với Viện KSND các cấp trong việc kiểm sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng và những khâu nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra