Vì đâu, Lai Châu chưa có vụ tham nhũng, tiêu cực được thanh tra chuyển điều tra?

Thứ hai, 20/06/2022 10:18
(ThanhtraVietNam) – Dù công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2011 - 2021 được Thanh tra tỉnh cho là đã quan tâm triển khai, nhưng kết quả phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết lại là… không. Nguyên nhân là gì?

Thanh tra tỉnh đã duy trì thực hiện các quy chế phối hợp

Báo cáo tình hình, kết quả việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của Thanh tra tỉnh Lai Châu gửi Thanh tra Chính phủ khẳng định, trong những năm qua công tác này đã được các tổ chức thanh tra trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo của tỉnh và định hướng của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra tỉnh Lai Châu cho biết, cơ quan này đã tăng cường công tác thông tin trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), duy trì thực hiện tốt các quy chế phối hợp với Công an tỉnh theo quy chế phối hợp số 236/QCPH-CA-TTr ngày 13/5/2015 giữa 2 cơ quan trong đảm bảo an ninh, trật tự; thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.

Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh theo quy chế số 126/QCPH-TTr-VKSND ngày 25/3/2016; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh theo quy chế phối hợp số 236/QCPH-TTr-TAND ngày 26/5/2016.

Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Ma Lù Thàng, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu về công tác tiếp nhận, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Đồng thời, chỉ đạo phòng chuyên môn chủ động trong việc phân công công chức theo dõi, tổng hợp số liệu đơn thư, xây dựng thông báo tuần, tháng gửi các cơ quan; bố trí công chức tham gia giao ban hàng tháng về công tác tiếp nhận, quản lý và tố giác tin báo tội phạm đảm bảo theo quy định.

Nhưng kết quả phát hiện, chuyển giao vụ việc lại là không!

Từ năm 2011 đến 2021, ngành Thanh tra tỉnh đã tiến hành và kết luận 1.710 cuộc thanh tra. Qua thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 200 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách hơn 128 tỷ đồng, kiến nghị khác hơn 71 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 13 nghìn m2 đất và xử lý 173 tập thể, 449 cá nhân.

Đồng thời, đã phát hiện một số bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và tăng cường thanh tra, kiểm soát nội bộ, chú trọng các giải pháp phòng ngừa từ xa, từ sớm, tập trung khắc phục, chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Cụ thể, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 55/2016/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị khi thực hiện dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh; việc xác định giá trị tài sản hình thành sau đầu tư của UBND xã khi phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành tại một số dự án chưa chính xác; sửa đổi một số nội dung trong quy chế chi tiêu nội bộ; bố trí dự phòng ngân sách cấp huyện, cấp xã đảm bảo theo Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước; UBND cấp huyện, cấp xã quy chế cần bổ sung thực hiện chế độ cho những người làm công tác tiếp dân theo Quyết định số 39/2017 của UBND tỉnh; kiến nghị các chủ đầu tư xây dựng phương án ứng phó thiên tai, lắp đặt các thiết bị an toàn hồ đập thủy điện theo quy định và giải quyết bồi thường cho 70 hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án…

Tuy nhiên, thống kê của Thanh tra tỉnh Lai Châu lại cho thấy, giai đoạn 2011 - 2021, việc phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan thanh tra qua công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng; qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thanh tra; qua công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và qua việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các cơ quan, đơn vị thanh tra và hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng là… không!

leftcenterrightdel
 Một góc thành phố Lai Châu về đêm. Ảnh: Cổng TTĐT Lai Châu

Có vướng mắc gì trong phát hiện, chuyển giao?

Một số hạn chế, vướng mắc trong công tác này đã được Thanh tra tỉnh chỉ ra.

CẦN TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VỚI BÁO CHÍ

Thanh tra tỉnh Lai Châu kiến nghị thường xuyên tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về PCTN cho công chức, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trang bị cơ sở vật chất các phương tiện làm việc để phục vụ tốt cho hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thông qua việc xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành, xây dựng chương trình kế hoạch phối hợp hằng năm.

Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử, các kênh để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh các vi phạm pháp luật về hành vi tham nhũng.

Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp để phát huy vai trò trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN; phối hợp với các cơ quan điều tra, khởi tố, xét xử kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng…


Đó là, qua kiểm tra, giám sát nội bộ, công tác thanh tra, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa phát hiện vụ việc, hành vi tham nhũng chuyển cơ quan điều tra. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu thông qua đơn thư tố giác của công dân, qua công tác điều tra. Đơn thư qua giải quyết khiếu nại, tố cáo còn trùng lặp, công dân gửi đồng thời nhiều cơ quan, đơn vị do đó công tác tổng hợp còn có những khó khăn nhất định.

Số lượng đơn thư phản ánh nặc danh không đủ điều kiện xử lý, nội dung không rõ ràng, không có chứng cứ, thông tin chưa cụ thể, khó khăn cho việc xử lý, xác minh hành vi vi phạm, tội phạm và tham mưu với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Qua tổng hợp báo cáo, tình hình tiếp nhận, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tại Ban Tiếp công dân và Thanh tra tỉnh cho biết, từ năm 2011 đến 2021 có 483 vụ việc (toàn bộ là các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh).

Nội dung đơn tập trung vào lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, hành vi của các cơ quan có chức năng, thẩm quyền trong việc điều tra, truy tố, xét xử...

Một số tin tố giác về hành vi vi phạm trong quản lý kinh tế tuy nhiên chứng cứ, thông tin chưa cụ thể, rõ ràng, khó khăn cho việc xử lý, xác minh hành vi vi phạm.

Kết quả cũng là, chưa có trường hợp nào kiến nghị khởi tố theo quy định.

Thanh tra tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, giai đoạn qua, lực lượng thanh tra toàn Ngành còn mỏng, số lượng, tỷ lệ thanh tra viên toàn Ngành thấp mới chỉ đạt 61%.

Chất lượng đội ngũ công chức thanh tra còn hạn chế, phần lớn công chức trong Ngành chưa có nhiều kinh nghiệm trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm soát tài sản, thu nhập. Đội ngũ công chức thanh tra thường xuyên luân chuyển, điều động công tác, nhất là lãnh đạo, thanh tra viên tại các tổ chức thanh tra sở, ngành.

Phương pháp, kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN của công chức một số tổ chức thanh tra còn hạn chế dẫn đến việc tham mưu, tổ chức thực hiện lúng túng, hiệu quả chưa cao.

“Tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, hành vi tham nhũng tinh vi do vậy chưa phát hiện hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng” - Thanh tra tỉnh lý giải thêm.

Các hành vi tham nhũng do người có chức vụ quyền hạn thực hiện, có ảnh hưởng rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy do vậy gây khó khăn cho việc phát hiện.

Đáng chú ý, một số công dân chưa nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quá trình khiếu nại, tố cáo do đó đơn gửi nhiều nơi, vượt cấp, không có địa chỉ cụ thể; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị trên địa bàn.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra