Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ): Thực thi các biện pháp chống tham nhũng

Thứ năm, 26/05/2022 08:24
(ThanhtraVietNam) - Năm 2015, 193 quốc gia đã khẳng định cam kết đối với 17 mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó có Đức. Theo ước tính của Liên hợp quốc vào năm 2018, cộng đồng quốc tế mất 5% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu do tham nhũng. Do đó, các biện pháp hiệu quả để chống tham nhũng là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Chương trình nghị sự 2030.

Tham nhũng là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển, vì nó lạm dụng các nguồn lực công cho các mục đích tư. Tham nhũng làm suy yếu nền hành chính công, ngăn cản việc đưa ra các quyết định công bằng vì lợi ích chung và làm giảm chất lượng của các dịch vụ công. Ngoài ra, tham nhũng còn gây ra sự bất bình đẳng, xung đột trong xã hội, thậm chí tham nhũng có thể làm suy yếu tính hợp pháp của các thể chế dân chủ và làm chậm đáng kể các quá trình cải cách. 

Để giảm thiểu tham nhũng, ngoài việc trực tiếp chống tham nhũng bằng cách truy tố tội phạm, các biện pháp phòng ngừa còn bao gồm tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính liêm chính. Do đó, việc hỗ trợ các biện pháp chống tham nhũng và tăng cường quản trị tốt là yếu tố trung tâm trong hợp tác phát triển của Đức. Công việc này dựa trên Chiến lược liêm chính và chống tham nhũng của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ). 

leftcenterrightdel
 

Chương trình về chống tham nhũng và liêm chính do Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) triển khai đang làm việc cùng với các bên vận hành và các tổ chức thực hiện để nâng cao nhận thức về vấn đề này một cách mạnh mẽ thông qua các thủ tục và quy trình hợp tác phát triển của Đức. Ngoài ra, Chương trình đang thí điểm các chiến lược chống tham nhũng trong các lĩnh vực hợp tác phát triển của Đức như lâm nghiệp, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe, đồng thời hỗ trợ việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong các dự án về vấn đề quản trị. 

Nhìn chung, Chương trình được chia thành 05 lĩnh vực hoạt động: (1) Chương trình hỗ trợ BMZ định vị chống tham nhũng và liêm chính trong các cuộc thảo luận quốc gia và quốc tế; (2) Thể hiện tính hiệu quả của các phương pháp tiếp cận nhằm đạt được sự liêm chính và chống tham nhũng; (3) Đặt nền tảng vững chắc, xuyên suốt cho việc thiết lập các hoạt động chống tham nhũng và liêm chính; (4) Chương trình cũng đang phát triển các phương pháp tiếp cận để đạt được mục tiêu hiện tại về chống tham nhũng và liêm chính, cũng như đưa ra các định hướng trong tương lai; (5) Hỗ trợ các đối tác ở Bắc và Tây Phi trong việc thực hiện các tiêu chuẩn của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển. 

Trong các lĩnh vực hoạt động này, Chương trình đang phát triển các phương pháp và tạo ra các sản phẩm về tính liêm chính và minh bạch trong các lĩnh vực khác nhau (bao gồm khí hậu, rừng, đất và nước) trong lĩnh vực hành chính công cũng như quản lý rủi ro và phòng ngừa tham nhũng.

Để đạt được các mục tiêu đã thống nhất với bên vận hành (BMZ), Chương trình đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Trung tâm Nguồn lực chống tham nhũng Utstein (U4), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Hơn nữa, BMZ duy trì quan hệ đối tác chiến lược với ban thư ký của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Chương trình đang tập trung vào việc hỗ trợ đưa chiến lược chống tham nhũng BMZ vào thực tiễn. Trong thời gian qua, các dịch vụ tư vấn cung cấp cho BMZ và việc phát triển các phương pháp hỗ trợ đã góp phần thiết lập vấn đề một cách hiệu quả hơn trong quá trình chỉ đạo và lập kế hoạch của hợp tác phát triển. Trên hết, Chương trình đang đóng góp quan trọng vào việc định vị hợp tác phát triển của Đức trên các diễn đàn quốc gia và quốc tế, trong đó bao gồm Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Hội nghị quốc tế về chống tham nhũng (IACC). 

Các phương pháp tiếp cận mới đã thúc đẩy quản lý liêm chính trong các tổ chức đối tác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, giáo dục và nguồn nước. Một ví dụ từ Kenya cho thấy các chỉ số quản trị tốt đã tạo động lực cho các nhà cung cấp nước trở nên minh bạch hơn. Dự án cải cách ngành nước của Kenya đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng hệ thống báo cáo. Mỗi năm, cơ quan quản lý của Kenya về ngành nước đã ghi lại các chỉ số quan trọng chính để đo lường hiệu suất của hơn 100 công ty cấp nước tại quốc gia này. Với việc sử dụng một trong những chỉ số mới, cơ quan chức năng hiện cũng đã bắt đầu đánh giá khả năng quản trị tốt của chính phủ và doanh nghiệp. Trọng tâm chính ở đây là các ban giám sát cần đảm bảo tính minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân. Theo cách này, các chủ sở hữu của các công ty trên khắp đất nước, chính quyền các quận, huyện, buộc phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tốt hơn các quy trình hoạt động của các nhà cung cấp nước chống lại tham nhũng. Có thể khẳng định, việc cải thiện nền quản trị giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nguồn nước uống sạch và vệ sinh.

Dương Nguyễn (Theo GIZ)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra