Cách mạng Tháng Mười Nga: Bản hùng ca vang mãi

Thứ hai, 08/11/2021 07:26
Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại, có tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội rộng lớn, sâu sắc nhất trong đời sống nhân loại suốt 104 năm qua. Giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn trường tồn, bởi thắng lợi đó đã mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
leftcenterrightdel
Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu sự thắng lợi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội. (Ảnh tư liệu) 

104 năm đã trôi qua kể từ cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vào năm 1917, nhưng nhân loại vẫn coi đây là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong vòng hơn một thế kỷ qua. Dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V.I.Lênin và Đảng Bolshevik, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu sự thắng lợi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, khẳng định tính khoa học, cách mạng và giá trị trường tồn trong học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. Từ đây, chủ nghĩa xã hội khoa học không chỉ dừng lại ở góc độ lý luận mà đã trở thành hiện thực, lý tưởng chủ nghĩa cộng sản không còn là “bóng ma ám ảnh châu Âu” mà đã trở thành một thực thể hùng mạnh, chứng minh tính ưu việt của một thế giới hoàn toàn mới - thế giới xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thực sự biến ước mơ cao đẹp của con người về một chế độ xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công; một chế độ có nền kinh tế phát triển cao dựa trên cơ sở công nghệ hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu với quyền làm chủ của nhân dân lao động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; một xã hội có văn hoá, đạo đức, lối sống phù hợp; một xã hội đề cao và tôn trọng lao động, mọi người sống chan hoà tình thương, thành hiện thực trong xã hội.

Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười của chúng ta đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới”(1), “một sự nghiệp mới mẻ sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”. Đánh giá về ý nghĩa, vai trò to lớn của cuộc cách mạng này đối với tiến trình cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”(2). Người cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Mười mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Mười thành công và những thành tựu bước đầu về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã là tấm gương chói lọi, là tiếng kèn giục giã thôi thúc các dân tộc bị áp bức anh dũng đứng lên đấu tranh giải phóng cho mình. Người nêu rõ: “Từ ngày Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, Liên Xô đã thành tiếng kèn kêu gọi đấu tranh cho tự do bình đẳng, hữu nghị và hạnh phúc của các dân tộc, đã thành ngọn cờ hy vọng và thắng lợi, cổ vũ nhân dân lao động toàn thế giới dũng cảm tiến lên”(3).

Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam đã ra đời, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Nhân dân Việt Nam kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng và hướng tới là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là minh chứng hùng hồn cho thấy sự ảnh hưởng to lớn, sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga; chứng minh tính đúng đắn của con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn, qua đó, khẳng định sức sống bất diệt và những giá trị mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo ra. Đây cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam chúng ta nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa, giá trị hiện thực và sức sống của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, loài người đã chứng kiến biết bao thăng trầm, biến cố phức tạp của lịch sử. Có thể nói khoảng thời gian ấy cũng đã đủ để chúng ta nhìn nhận, đánh giá khách quan giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Và dù thời gian bao năm có trôi qua thì tầm vóc vĩ đại, giá trị, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Cách Mạng tháng Mười Nga vẫn đã, đang và sẽ vẹn nguyên giá trị, tiếp tục vang mãi.

Cách mạng Tháng Mười Nga luôn luôn không chỉ là biểu tượng của khát vọng và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, mà những bài học từ cuộc cách mạng ấy vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Vững bước đi lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, giương cao ngọn cờ tất thắng của của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, "phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"(4)./.

-----------------------

(1): V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 44, tr.185.

(2): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 8, tr.558.

(3): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.635.

(4): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.111-112

Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra