Chống tham nhũng ở Gambia

Thứ hai, 04/10/2021 12:14
(ThanhtraVietNam) - Tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở Gambia mặc dù đã có cải thiện trong những năm gần đây kể từ khi chính phủ mới lên nắm quyền. Đất nước này có số điểm 37/100 về Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) và xếp hạng 93 trong số 180 quốc gia vào năm 2020 (năm 2016, Gambia chỉ đạt 26/100 điểm).

Bên cạnh đó theo các chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng Thế giới cho thấy điểm số quản trị của Gambia dao động từ -2,5 đến +2,5 từ năm 2014 đến năm 2019. Nhìn chung, Gambia đã cải thiện nhưng vẫn còn kém về các chỉ số khác như kiểm soát tham nhũng (- 0,69 năm 2014 đến -0,29 vào năm 2019), pháp quyền (-0,69 đến -0,37) và hiệu quả của Chính phủ (-0,67 đến - 0,63). Sự cải thiện đáng kể nhất là chỉ số về tiếng nói và trách nhiệm giải trình (-1,27 đến - 0,22). Nhìn chung, Gambia đã cải thiện hiệu suất của mình trên các chỉ số quản trị khác nhau kể từ khi có những chuyển biến chính trị vào năm 2017, điều này có thể chỉ ra rằng đất nước đang đi đúng phương hướng hướng tới quản trị tốt.

Tham nhũng lớn

Tham nhũng lớn đã có hệ thống ở Gambia trong hai thập kỷ qua. Theo thông tin được công bố bởi Ủy ban Janneh, Chính phủ cũ đã biển thủ, chiếm đoạt và làm thất thoát khoảng 305 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, Dự án Báo cáo Tội phạm và Tham nhũng có tổ chức (OCCRP) đã công bố bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Jammeh và mạng lưới của ông đã biển thủ ít nhất 1 tỷ USD từ các tổ chức nhà nước. Ước tính 369 triệu USD đã bị chiếm đoạt từ công ty viễn thông nhà nước và 356 triệu USD khác từ việc khai thác gỗ bất hợp pháp. Một số tiền đáng kể cũng đã được chuyển từ viện trợ nước ngoài, các quỹ an sinh xã hội khác nhau và các doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương Gambia cho phép cựu Tổng thống Jammeh truy cập vào nhiều tài khoản khác nhau và tạo ra một số quỹ đen bên trong ngân hàng. Chế độ truy cập đặc biệt cũng cho phép Jammeh chuyển một lượng tiền dự trữ đáng kể từ Ngân hàng Trung ương vào các quỹ đen và tài khoản cá nhân của mình. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương mắc nợ nặng nề, với các khoản thanh toán lãi suất chiếm gần 40% tổng chi tiêu của ngân hàng. Ngoài ra, cựu Tổng thống đã thành lập ít nhất 10 doanh nghiệp (một hành vi hiện đang bị cấm bởi Hiến pháp hiện hành). Các doanh nghiệp này thường không tuân thủ các yêu cầu pháp lý và nộp thuế đầy đủ. Những người khác có liên quan bao gồm Isatou Njie Saidy, cựu Phó chủ tịch và Phó chủ tịch của Chiến dịch Save the Children và tổ chức phi chính phủ Jammeh Foundation for Peace, cả hai đều tham gia vào việc rửa tiền cùng với Amadou Abdoulie Samba, một luật sư và giám đốc điều hành nổi tiếng của một nhà máy xi măng Gambia. Các công chức cấp cao, đặc biệt là trong ngân hàng trung ương và các dịch vụ an ninh, đã thông đồng với các mạng lưới tham nhũng của Jammeh. Các hoạt động cụ thể và tên của 38 cá nhân quan trọng nhất đều được nêu chi tiết trong chương thứ hai của bản báo cáo thứ chín của Ủy ban Janneh. Mặc dù, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy loại tham nhũng lớn này vẫn tiếp tục kể từ khi Jammeh bị lật đổ, các nhà hoạt động và nhà bình luận cho rằng nó vẫn đang xảy ra.

 Tham nhũng vặt

Trong Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu cho châu Phi (2015-2019), 21% số người Gambia được hỏi cho biết đã hối lộ trong vòng 12 tháng qua khi tiếp cận dịch vụ công cộng. Trong số những người được hỏi, các tổ chức có tỷ lệ tham nhũng được báo cáo cao nhất là cảnh sát (38%), thẩm phán (25%) và các quan chức chính phủ (23%). Trong khi đó, 8% những người tìm kiếm các dịch vụ y tế và 13% những người tìm kiếm các dịch vụ liên quan đến nước, vệ sinh hoặc điện trong năm 2018 đã hối lộ.

 Công tác chống tham nhũng ở Gambia

Khuôn khổ pháp luật chống tham nhũng của Gambia vẫn là "công việc đang được tiến hành" đã kéo dài hơn hai năm. Các phần quan trọng nhất của khung pháp luật chống tham nhũng là Hiến pháp (1997), Đạo luật Ủy ban chống tham nhũng Gambia (2012), Bộ luật Hình sự Gambia, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Đạo luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (2012).

Hiến pháp năm 1997, về lý thuyết, cấm một người bị kết án tham nhũng tranh cử vào các chức vụ cấp cao như Tổng thống. Ủy ban Đánh giá Hiến pháp đã trình bày một dự thảo Hiến pháp mới vào năm 2019 với một loạt các biện pháp tăng cường dân chủ ví dụ, giới hạn nhiệm kỳ cho Tổng thống, quy định chặt chẽ hơn về quà tặng cho các quan chức nhà nước và trong quá trình bầu cử, thành lập một ủy ban chống tham nhũng độc lập,... Năm 2020, Ủy ban đã trình dự luật ban hành Hiến pháp tại Quốc hội. Tuy nhiên, dự luật này sau đó đã bị Quốc hội bác bỏ.

Một trong những dự luật đầu tiên là Dự luật chống tham nhũng. Sau hơn hai năm soạn thảo, Dự luật Phòng chống tham nhũng đã được trình Quốc hội vào tháng 12/2019. Dự luật sẽ thành lập một Ủy ban chống tham nhũng quốc gia mới và sửa đổi một số vướng mắc trong Đạo luật năm 2012. Tuy nhiên, tính đến tháng 3 năm 2021, dự luật được chờ đợi từ lâu vẫn đang trong quá trình chờ xử lý lần thứ ba.

Một đạo luật khác đáng được đề cập là Đạo luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố năm 2012. Đạo luật quy định một số tội rửa tiền và tài trợ khủng bố và thêm các yêu cầu mới cho các tổ chức tài chính, chẳng hạn như yêu cầu nộp báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Quá trình chuyển đổi chính trị năm 2017 được coi là sự khởi đầu của một hành trình mới ở Gambia nhờ những bước khởi đầu của chính phủ mới hướng tới quản trị tốt. Tuy nhiên, các dự thảo luật quan trọng như Dự luật Chống tham nhũng và dự thảo Hiến pháp vẫn chưa được thông qua. Mặc dù chính phủ mới ban đầu có một khởi đầu tốt liên quan đến tự do dân sự và truyền thông, nhưng đâu đó vẫn còn xuất hiện những bằng chứng cho thấy các nhà hoạt động xã hội dân sự và nhà báo vẫn chưa được bảo vệ.

Quỳnh Nhi 

(Nguồn: https://www.u4.no/publications/the-gambia-overview-of-corruption-and-anti-corruption.pdf)

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra