Chống tham nhũng trong thời Covid qua lăng kính nhân quyền

Thứ hai, 28/02/2022 17:12
(ThanhtraVietNam) - Covid-19 là một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với sức khỏe toàn cầu. Không chỉ vậy, đại dịch đã làm suy yếu hệ thống y tế, hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng của hàng triệu người trên thế giới. Nó cũng là chất xúc tác của tham nhũng và là mối đe dọa đối với quyền con người, đặc biệt là quyền về sức khỏe.

Tham nhũng vặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã tồn tại trong nhiều năm, dưới các hình thức: Thiên vị, trộm cắp và tham ô, hối lộ, tính phí dịch vụ quá cao và thao túng dữ liệu... Tuy nhiên, không gì có thể so sánh được với quy mô về nạn tham nhũng mà chúng ta đã thấy kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch Covid-19, bao gồm việc mua sắm vật tư y tế, gần đây nhất là vắc xin và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Quyền con người phụ thuộc vào các thể chế tạo ra chúng và phát triển mạnh ở bất cứ nơi nào có sự độc lập về tư pháp, tuân thủ mạnh mẽ nhà nước pháp quyền, các thể chế mạnh mẽ và dân chủ, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình... Quyền con người, đặc biệt là quyền của những cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương nếu cấu trúc dân chủ xã hội bị xói mòn. Covid-19 đang đang gây ra những tác động tiêu cực vào chính những yếu tố này. Tham nhũng đã đặt nền móng cho việc làm suy giảm cấu trúc dân chủ xã hội. Tham nhũng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm (khoảng 5% GDP toàn cầu).

Để đạt được mục tiêu về quyền được đảm bảo sức khỏe của người dân, các chính phủ cần đảm bảo các hàng hóa, dịch vụ và cơ sở chăm sóc sức khỏe luôn sẵn có, dễ tiếp cận và có chất lượng tốt cho tất cả mọi người. Nếu tham nhũng làm cạn kiệt ngân sách y tế của một chính phủ và làm giảm chất lượng của việc cung cấp dịch vụ y tế, khả năng quốc gia đó có thể thực hiện các nghĩa vụ như vậy là điều không thể.

leftcenterrightdel

Cung cấp PPE (thiết bị bảo vệ cá nhân) là một trong nhiều lĩnh vực mới phát sinh tham nhũng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. (Ảnh: Flickr / Equity Bank, Creative Commons)

Những minh chứng thực tiễn hiện tại trong đại dịch Covid-19 đang khẳng định điều này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia trải qua nạn tham nhũng cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao trong thời kỳ đại dịch.

Ví dụ điển hình như tại Brazil, quốc gia này nằm trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất (tính đến tháng 2 năm 2021) và song hành với đó là hoạt động kém trong xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng và điểm chỉ số của Dự án Công lý Thế giới về các quyền cơ bản. Bang Rio, nơi thống đốc và bộ trưởng y tế đều bị buộc tội tham nhũng vì cáo buộc ghép tạng, cũng có tỷ lệ tử vong theo đầu người ở Covid-19 tồi tệ nhất thế giới vào tháng 9 năm 2020 (hơn 10.000 người). Các công tố viên của tiểu bang và liên bang nhận ra rằng một số trường hợp tử vong này có thể đã được tránh khỏi nếu các quan chức không “bỏ túi” kinh phí cho các hoạt động thiết yếu (lên đến 72,2 triệu đô la Mỹ).

Bên kia Đại Tây Dương, theo BBC, các quan chức chính phủ Kenya và giới doanh nhân bị cáo buộc đã sử dụng sai hàng triệu đô la tiền quỹ dành cho vật tư y tế Covid-19. Điều này khiến các nhân viên y tế chỉ được sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân kém chất lượng, gây rủi ro cho quyền được bảo vệ sức khỏe của họ. Tình hình trên đã dẫn đến các cuộc đình công vào mùa hè năm 2020. Hệ thống kiểm tra của quốc gia này cũng được cho là không đầy đủ, vì vậy số liệu chính thức về các trường hợp nhiễm và tử vong có thể bị thiếu hụt. Theo New York Times, vào cuối tháng 8, tỷ lệ nhiễm và tử vong của các quan chức y tế chiếm con số thấp đáng ngạc nhiên: 31.763 trường hợp mắc và 532 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, ở một đất nước với 48 triệu dân và chỉ có 9.068 bác sĩ được cấp phép, có hàng nghìn nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi virus đồng nghĩa với việc ít năng lực đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người dân Kenya, điều này gây ảnh hưởng đến quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Vương quốc Anh và Ý cũng nổi bật là các quốc gia châu Âu có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất vào năm 2020. Cả hai cũng đã trải qua tham nhũng Covid-19 ở quy mô lớn. Tại Ý, nạn tham nhũng hoành hành đã làm tổn hại đáng kể năng lực của hệ thống y tế của Calabria - khu vực nghèo nhất của Ý - trong việc đối phó với đại dịch. Sự hoành hành của nạn tham nhũng và mafia tại Calabria gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vào tháng 11 năm 2020, giám đốc y tế khu vực đã bị bắt vì liên quan đến các hiệu thuốc được sử dụng để rửa tiền. Mặc dù tỷ lệ Covid-19 tương đối thấp ở Calabria, tuy nhiên do hàng thập kỷ chìm trong tham nhũng và quản lý yếu kém đã khiến hệ thống y tế phải vật lộn để đối phó với mức tăng đột biến các trường hợp mắc bệnh Covid-19.

Không khó để tìm thấy thêm các trường hợp tham nhũng liên quan đến Covid-19 trên khắp thế giới: Bộ trưởng Bộ Y tế Zimbabwe đã bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc trao hợp đồng trị giá 60 triệu đô la Mỹ cho nguồn cung cấp Covid-19; Bộ trưởng Bộ các vấn đề xã hội Indonesia bị nghi ngờ đã “bỏ túi” 1,1 triệu đô la Mỹ viện trợ Covid-19; Bộ trưởng Bộ Y tế Bolivia đã bị giam giữ vì bị cáo buộc mua 179 máy thở không sử dụng được với giá gấp đôi giá ban đầu; Các bộ trưởng và thứ trưởng ở Peru, Ecuador, Bolivia và Panama dính líu đến các vụ tham nhũng liên quan đến Covid-19 và buộc phải từ chức.

Covid-19 đã làm đảo lộn thế giới như cách chúng ta đã biết. Nếu tham nhũng là một mối đe dọa đáng kể đối với nhân quyền trước đại dịch, thì điều này giờ đây trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Với cách thức phá hoại hệ thống y tế và quyền được chăm sóc sức khỏe của con người, tham nhũng trong thời kỳ Covid-19 nên được coi là một tội ác chống lại loài người.

Dương Nguyễn (Theo U4 anti-corruption resource centre)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra