Liệu công nghệ Blockchain có trở thành giải pháp chống tham nhũng trong giáo dục?

Thứ tư, 20/04/2022 06:33
(ThanhtraVietNam) - Công nghệ được sử dụng như một công cụ để ngăn chặn gian lận, tham nhũng nhờ tính minh bạch, bảo mật và khả năng truy xuất nguồn gốc. Điều này đã trở thành động lực cho việc nghiên cứu, sáng tạo các ứng dụng khả thi cho nền tảng cơ sở dữ liệu và trong đó phải kể đến Blockchain.

Một vài năm trở lại đây, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra khuyến nghị về việc nghiên cứu công nghệ Blockchain trong lĩnh vực giáo dục. Vào năm 2021, một nghiên cứu của Frontiers in Blockchain đã đặt vấn đề liệu có nên chuyển việc số hóa trong giáo dục từ các nghiên cứu thí điểm sang các hệ thống bền vững hay không?

Blockchain là công nghệ tạo cơ sở dữ liệu với quản trị phân tán. Công nghệ này được sử dụng để theo dõi các tài sản kỹ thuật số như quyền đất đai hoặc chứng chỉ xuất xứ và trong một số dự án thử nghiệm, bằng tốt nghiệp đại học và danh tính kỹ thuật số.

Quyền truy cập vào tài sản của một người trên Blockchain yêu cầu chìa khóa mật mã cá nhân được sử dụng để mở ví kỹ thuật số. Chìa khóa này thường được lưu trữ trong điện thoại thông minh hoặc ứng dụng web.

leftcenterrightdel
Ảnh: Creative Commons/Pixels

Các sáng kiến công nghệ trong giáo dục

Với nỗ lực ngăn chặn việc gian lận trong truy cập thông tin, trường Đại học Dubai đã triển khai nền tảng Blockchain Shahada để “tạo, duy trì và xác minh thông tin đăng nhập học tập”. Các chứng chỉ có thể truy cập qua web hoặc điện thoại thông minh và có thể được chia sẻ bằng kỹ thuật số. Nhà tuyển dụng có thể trực tiếp xác minh tính xác thực của chứng chỉ kỹ thuật số.

Tại Slovenia, Dự án EduCTX nhằm cung cấp một giải pháp chứng minh năng lực được quốc tế công nhận. Dựa trên hệ thống ECTS của Châu Âu và ARK , Dự án thử nghiệm đã được một số tổ chức Slovenia áp dụng. Tuy nhiên, việc nhân rộng ý tưởng thành một tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn là một thách thức.

Bên cạnh những lợi ích đem lại, việc sử dụng Blockchain vẫn còn nhiều tranh cãi. Cung cấp ID cá nhân an toàn cho tất cả mọi người là một trong những mục tiêu lâu dài. Sáng kiến ID 2020 cung cấp điều này thông qua một ID độc quyền. Tuy nhiên, đề xuất cấp “hộ chiếu miễn trừ” Covid-19 liên kết với ID 2020 đã dẫn đến việc một trong những thành viên ban chỉ đạo phải từ chức. Những cảnh báo về mối nguy hiểm có thể có của hộ chiếu như vậy được đưa ra đó là: Dữ liệu trong hộ chiếu có thể sai và thông tin có thể dễ dàng bị sử dụng sai mục đích.

Hướng tới các công nghệ cạnh tranh thay thế?

Trong khi nhiều quốc gia đang áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để lưu giữ hồ sơ cá nhân thì Blockchain dường như không phải lúc nào cũng là lựa chọn ưu tiên.

Cụ thể, một cuộc khảo sát do Hiệp hội các nhà đăng ký và tuyển sinh đại học Hoa Kỳ (AACRAO) công bố vào tháng 3 năm 2021 cho thấy, các thành viên của tổ chức này đang ít sử dụng các chứng chỉ trên giấy bới chúng được coi là không hiệu quả, tốn kém và dễ làm giả. Tuy nhiên, theo Ledger Insights , các tệp pdf được ký điện tử dường như vẫn là định dạng được sử dụng cho các văn bằng kỹ thuật số, bên cạnh bảng điểm từ giáo dục trực tuyến.

Tương tự, trong khi các quốc gia như Estonia và Ấn Độ đã phát triển mối liên kết kỹ thuật số giữa ID cá nhân và thông tin về sức khỏe, giáo dục, việc làm hoặc thuế, cả hai hệ thống này đều không sử dụng công nghệ Blockchain. Thay vào đó, họ sử dụng cơ sở dữ liệu an toàn, được liên kết với nhau bằng các kết nối được mã hóa.

Ở Estonia, Chứng minh thư kỹ thuật số do nhà nước Estonia phát hành là được sử dụng để truy cập mạng, tương tự như nền tảng OnGrid ở Ấn Độ, có thể truy cập bằng số ID cá nhân 12 chữ số. ID Estonian được cấp bởi một tổ chức chính phủ đáng tin cậy.

 

Dương Nguyễn (Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra