Quyền hạn và công việc của Tòa án Tối cao liên bang Mỹ

Thứ tư, 10/11/2021 11:18
(ThanhtraVietNam) - Tòa án Tối cao liên bang là thiết chế độc lập và có quyền lực tư pháp cao nhất trong chính quyền Mỹ. Tòa án Tối cao liên bang Mỹ được trang bị quyền hạn tư pháp khá rộng nhưng mang tính đặc trưng và một số quyền hạn ở mức cao nhất, duy nhất.

Lý giải Hiến pháp và Luật Liên bang

Tòa án Tối cao là cơ quan có quyền cao nhất và cuối cùng trong việc lý giải ý nghĩa, giá trị, hiệu lực của những quy định trong Hiến pháp và Luật Liên bang (federal law) Mỹ. Quyền hạn lý giải có vai trò quan trọng, làm tăng tính độc lập và sự tác động của Tòa án Tối cao đối với ngữ nghĩa, nội dung, giá trị, mức độ, hiệu quả của mọi quy định trong Hiến pháp và những đạo luật liên bang, khi mà chính các cơ quan lập pháp liên bang (đứng đầu bởi Quốc hội - thiết chế đã soạn thảo, thông qua Hiến pháp và những đạo luật) và các cơ quan hành pháp liên bang (đứng đầu bởi Tổng thống - thiết chế đã công bố, ban hành, thực thi Hiến pháp và những đạo luật đó) đều không được trang bị quyền hạn lý giải này. Các tòa án liên bang dưới Tòa án Tối cao và tất cả tòa án cấp bang, địa phương cũng có quyền lý giải Hiến pháp và Luật Liên bang, tuy nhiên trong trường hợp vẫn xảy ra tranh cãi, thắc mắc, khiếu kiện… thì lời lý giải và quyết định của Tòa án Tối cao sẽ là phán quyết cuối cùng về điều khoản cần lý giải thỏa đáng.

Như vậy, Tòa án Tối cao có thể lý giải ý nghĩa Hiến pháp và các đạo luật của Quốc hội theo ý mình và ảnh hưởng đến việc làm thế nào để những văn bản này được thông qua, ban hành. Hơn nữa, thực tế cho thấy, Tòa án Tối cao thường ủng hộ mạnh mẽ chủ trương một liên bang mạnh và thống nhất, với hành vi tiêu biểu là lý giải Hiến pháp và Luật Liên bang Mỹ theo hướng có lợi cho liên bang hơn cho các bang, các địa phương.

Xem xét sự hợp hiến của luật

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ và các tiền lệ được thiết lập từ đầu thế kỷ XIX (như qua giải quyết vụ “Marbury đối đầu Madison” (1803), tạo lập tiền lệ Tòa án Tối cao hủy bỏ hiệu lực đạo luật của liên bang nếu đạo luật đó vi hiến; qua giải quyết vụ “Fletcher đối đầu Peck” (1810), tạo lập tiền lệ Tòa án Tối cao hủy bỏ hiệu lực đạo luật của bang nếu đạo luật đó vi hiến…), Tòa án Tối cao có quyền xem xét, yêu cầu sửa đổi hoặc tuyên bố hủy bỏ hiệu lực những đạo luật (cùng các văn bản liên quan khác) của Quốc hội liên bang và các nghị viện bang nếu những đạo luật đó vi phạm Hiến pháp Mỹ (vi hiến).

Tòa án Tối cao cũng có quyền xem xét, yêu cầu sửa đổi hoặc tuyên bố hủy bỏ hiệu lực những quy định, văn bản pháp lý của các cơ quan hành pháp, tư pháp cấp liên bang, bang và địa phương nếu những quy định, văn bản đó vi phạm Hiến pháp liên bang. Trên thực tế, thẩm quyền này được sử dụng khá phổ biến và thường xuyên.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Xem xét sự hợp hiến của các cơ quan công quyền

Tòa án Tối cao có thẩm quyền xem xét, yêu cầu dừng ngay và tuyên bố vô hiệu những hành vi của cơ quan công quyền cấp liên bang, bang và địa phương nếu thấy những hành vi đó trái với Hiến pháp.

Xem xét phán quyết của các tòa án bang và địa phương

Tòa án Tối cao có thể xem xét những phán quyết của các tòa án bang và/hoặc địa phương nếu những phán quyết ấy trong phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp Mỹ và Luật Liên bang. Nếu thấy vi hiến, phạm luật hoặc các sai trái rõ ràng khác, Tòa án Tối cao có quyền yêu cầu bãi bỏ phán quyết, tòa án bang và/hoặc địa phương liên quan phải tiến hành xét xử, phán quyết lại hoặc chính Tòa án Tối cao lấy vụ việc đó lên để xem xét và ra phán quyết phù hợp.

Xét xử các vụ việc

Đây là quyền hạn thông dụng nhất của Tòa án Tối cao. Tòa được quyền xem xét, xử lý, phán quyết những vụ việc: (1) Có vấn đề liên quan đến Hiến pháp Mỹ; (2) Có vấn đề liên quan đến luật liên bang (còn gọi là “câu hỏi luật liên bang” - federal question); (3) Có liên quan đến biển đảo/hàng hải; (4) Có bất đồng/xung đột giữa chính quyền của từ 2 bang trở lên; (5) Có bất đồng/xung đột giữa những công dân của các bang với nhau; và (6) Có bất đồng/xung đột giữa cá nhân hoặc chính quyền bang với cá nhân hoặc chính quyền nước ngoài.

Vụ việc điển hình gần đây nhất là Tòa án Tối cao Mỹ đã xem xét, xử lý và đi đến phán quyết bác bỏ đơn kiện của bang Texas về gian lận bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Theo đó, ngày 8/12/2020, Tổng chưởng lý bang Texas là Ken Paxton đã đại diện bang này, ủng hộ ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, trực tiếp khiếu kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, cáo buộc 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đã “lợi dụng đại dịch Covid-19 để ban hành bất hợp pháp những thay đổi vào phút chót trong quy tắc bỏ phiếu qua thư” và sự “gian lận bầu cử” này đã khiến ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng sát nút ứng viên Trump tại 4 bang trên, dẫn đến đắc cử chung cuộc. Có tới 17 bang khác cũng ủng hộ đơn kiện của bang Texas và đều tin rằng sẽ thành công vì đa số thẩm phán trong Tòa án Tối cao là đảng viên Cộng hòa như ứng viên Trump. Tuy nhiên, qua ba ngày xem xét, ngày 11/12/2020, Tòa án Tối cao Mỹ chính thức phán quyết bác đơn kiện của bang Texas, vì cho rằng quy trình bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tại 4 bang đó là hoàn toàn phù hợp với Luật Bầu cử liên bang và không có bất cứ sự gian lận nào. Phán quyết này đã chính thức khép lại chuỗi cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử của ứng viên Trump, đồng thời giúp đối thủ Biden chiến thắng chung cuộc và trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ từ ngày 20/01/2021.

Mỗi kỳ/năm làm việc chính thức của Tòa án Tối cao liên bang Mỹ kéo dài từ ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 năm trước đến khoảng giữa mùa hè (cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7) năm tiếp sau. Những phiên tòa chính thức diễn ra trong một phòng xét xử rộng cỡ 300 chỗ. Phía trước phòng này là một băng ghế dài để các thẩm phán tòa tối cao ngồi: Chánh án ngồi chính giữa, ngồi bên phải sát đó là thẩm phán có thâm niên cao nhất, ngồi bên trái sát đó là thẩm phán có thâm niên cao thứ nhì, và cứ liên tục đổi bên như vậy theo thứ tự thâm niên giảm dần. Gần phòng xét xử là phòng nghị án (nơi các thẩm phán quyết định vụ việc) và những phòng khác (nơi làm việc của thẩm phán và nhân viên tòa tối cao).

Để được khởi kiện hay biện hộ tại Tòa án Tối cao, luật sư phải là thành viên của luật sư đoàn tòa tối cao. Để được tiếp nhận vào luật sư đoàn tòa tối cao liên bang, phải là người có thâm niên ít nhất 3 năm trong đoàn luật sư của tòa tối cao bang, phải được giới thiệu bởi 2 thành viên của đoàn luật sư tòa tối cao liên bang (2 người này không có quan hệ nhân thân với người được giới thiệu) và không bị kỷ luật bởi tòa án hay luật sư đoàn.

Những thập kỷ gần đây, công việc chuẩn bị xem xét khoảng 5.000-6.000 vụ án mỗi kỳ/năm làm việc của Tòa án Tối cao do những nhân viên tòa tối cao đảm nhiệm. Họ giúp các thẩm phán đệ trình những chứng cứ và những vấn đề của các vụ án, tạo điều kiện cho việc phán quyết được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Những nhân viên này chủ yếu là những người được bổ nhiệm 1 hoặc 2 năm trong đội ngũ tốt nghiệp ưu tú của trường luật và họ giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện công việc của Tòa. Hầu hết những vụ án được giải quyết thông qua cách kiểm tra những chứng cứ bằng văn bản và bản ghi của các lần xét xử trước. Tuy nhiên, Tòa cũng xem xét chứng cứ bằng miệng với khoảng 110-150 vụ mỗi năm - trong các trường hợp này, luật sư có 30 phút để biện hộ về vụ án của mình và khi biện hộ thì thẩm phán có thể ngắt lời để đặt câu hỏi. Tòa xem xét việc biện hộ bằng miệng từ đầu tháng 10 năm trước và kết thúc vào cuối tháng 4 năm tiếp sau, mỗi tuần xem xét khoảng 12 vụ án.

Đa phần công việc của Tòa án Tối cao là xem xét những vụ án mà các tòa phúc thẩm liên bang và các tòa án bang đã xét xử có liên quan tới nguyên tắc hiến pháp và pháp lý quan trọng. Tòa cũng có quyền xét xử sơ thẩm những vụ án về các vấn đề rất cụ thể quy định trong Hiến pháp Mỹ. Tòa còn có thể lấy mỗi vụ án từ các tòa cấp dưới lên để xem xét nếu như ít nhất 4 trong số 9 thẩm phán cho rằng điều đó là đặc biệt cần thiết.

Hầu hết những vụ án phúc thẩm lên Tòa án Tối cao là do những người tranh tụng cảm thấy họ đã phải chịu đựng sự vi phạm các quyền hiến định, nhưng thực tế Tòa đã bác tới hơn 90% số vụ vì cho là không vi phạm các vấn đề quan trọng của Hiến pháp. Chính vì vậy, những thập kỷ gần đây, trong mỗi kỳ/năm làm việc, Tòa chỉ xét xử trọn vẹn khoảng 80-100 vụ, một tỷ lệ rất nhỏ (gần 2%) so với số vụ tiếp nhận xem xét. Mỗi kỳ/năm làm việc của Tòa được chia thành nhiều đợt xét xử, cứ 2 tuần 1 đợt, trong đó có những phiên xét xử công khai và cuộc họp nội bộ, cùng thời gian nghỉ để các thẩm phán làm việc độc lập sau các cánh cửa đóng kín trong lúc xem xét vụ việc và viết ý kiến.

Quy trình và diễn biến công việc xét xử của Tòa án Tối cao thực hiện như sau:

Tranh tụng

Những cuộc tranh tụng thường diễn ra từ thứ Hai đến thứ Tư của mỗi đợt xét xử. Thời gian làm việc kéo dài từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 1 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Không có bồi thẩm đoàn và không gọi nhân chứng (vì đây không phải là thủ tục sơ thẩm). Luật sư hai bên sẽ đưa ra luận điểm của mình trước các thẩm phán. Mỗi bên được tranh tụng trong khoảng 30 phút và Tòa có thể cho thêm thời gian nếu thấy cần thiết. Trong khi luật sư đưa ra luận điểm của bên mình, họ thường bị các thẩm phán cắt ngang để nêu câu hỏi. Tranh tụng là hoạt động rất quan trọng đối với cả luật sư lẫn thẩm phán bởi đây là giai đoạn duy nhất trong trình tự xét xử có sự đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các bên liên quan. Tòa thường tổ chức tranh tụng 4 vụ mỗi ngày.

Nghị án

Vào các ngày thứ Sáu trước mỗi đợt xét xử 2 tuần, Tòa tiến hành nghị án. Vào chiều thứ Tư và cả ngày thứ Sáu trong mỗi đợt xét xử, Tòa tiếp tục nghị án. Trong cuộc nghị án chiều thứ Tư, các thẩm phán thảo luận về các vụ việc tranh tụng vào ngày thứ Hai. Còn trong cuộc nghị án ngày thứ Sáu, họ thảo luận về các vụ việc tranh tụng vào ngày thứ Ba và sáng thứ Tư, cùng những vấn đề khác cần xem xét - quan trọng nhất trong số đó là các đơn xin phát đặc lệnh “lấy lên xét xử lại”.

Trước cuộc nghị án cuối cùng của mỗi đợt xét xử (vào ngày thứ Sáu), mỗi thẩm phán được cung cấp một danh sách các vụ việc sẽ được thảo luận. Cuộc nghị án bắt đầu lúc 9h30-10h sáng và kết thúc lúc 17h30-18h chiều. Vào phòng nghị án, các thẩm phán bắt tay nhau rồi ngồi vào vị trí làm việc quanh một cái bàn hình chữ nhật. Cuộc họp tiến hành độc lập sau những cánh cửa đóng kín và không có bất kỳ ghi chép chính thức nào về nội dung thảo luận. Chánh án là người chủ tọa và là người đưa ra ý kiến, quan điểm đối với mỗi vụ việc. Các thẩm phán khác lần lượt đưa ra ý kiến, quan điểm của mình - theo thứ tự thâm niên từ cao đến thấp.

Số thẩm phán ít nhất để quyết định một vụ việc là 6 người - số lượng tối thiểu này thường có khá dễ dàng. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc vẫn được quyết định tại Tòa dù không đủ 9 thẩm phán vì cả lý do khách quan hoặc chủ quan. Quyết định của Tòa được thông qua theo nguyên tắc đa số thẩm phán có mặt. Nếu số thẩm phán đồng ý và phản đối ngang nhau thì quyết định của tòa cấp dưới sát trước đó được giữ nguyên (nếu đây là xét xử lần cuối vụ việc) hoặc quyết định của Tòa sẽ là quyết định của phe có chánh án (nếu đây là xét xử lần duy nhất vụ việc - lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng).

Kết quả

Khi đạt được quyết định tạm thời tại cuộc nghị án, việc tiếp theo là giao soạn/viết ý kiến cho một thẩm phán. Nếu chánh án bỏ phiếu ở bên đa số thì chính chánh án là người soạn ý kiến hoặc giao việc đó cho một thẩm phán thuộc bên đa số. Còn nếu chánh án bỏ phiếu ở bên thiểu số thì thẩm phán có thâm niên cao nhất bên phía đa số sẽ soạn ý kiến.

Sau cuộc họp, thẩm phán chịu trách nhiệm soạn ý kiến của Tòa sẽ viết bản dự thảo ban đầu. Các thẩm phán khác có thể viết ý kiến riêng. Bản ý kiến hoàn chỉnh sẽ được chuyển đến tất cả các thẩm phán. Người soạn dự thảo thường tìm cách thuyết phục các thẩm phán bên thiểu số thay đổi quan điểm và cố gắng giữ nguyên quan điểm của bên đa số. Tiến trình thương lượng sẽ diễn ra và nội dung của bản ý kiến có thể được ít nhiều thay đổi, đáp ứng mong muốn của các thẩm phán khác để được họ ủng hộ. Nếu có sự phân cực trong Tòa, thì sẽ khó đạt được một ý kiến chung/thống nhất rõ ràng và thậm chí có thể dẫn đến việc phải thay đổi kết quả bỏ phiếu hoặc lấy ý kiến của một thẩm phán khác làm phán quyết chính thức của Tòa.

Cách thức giải quyết hầu hết những vụ việc đều được đa số thẩm phán ủng hộ, dù ít vụ đạt được sự đồng thuận cao. Những thẩm phán không cùng quan điểm với Tòa gọi là bất đồng. Thành viên bất đồng không nhất thiết phải nêu ý kiến bất đồng của mình ra (tuy nhiên, trong mấy thập niên gần đây, xu hướng soạn ra ý kiến bất đồng trở nên phổ biến). Nếu có nhiều thành viên bất đồng, họ có thể soạn từng ý kiến riêng hoặc tập hợp nhau lại thành một ý kiến bất đồng chung.

Trong một số vụ việc, có thẩm phán thống nhất với quyết định của Tòa nhưng vì một nguyên nhân khác. Với các trường hợp như vậy, thẩm phán ấy sẽ soạn một văn bản được coi là ý kiến đồng quy. Một ý kiến được ghi là “đồng quy và bất đồng” nếu nó thống nhất, phù hợp, đồng thuận với một phần quyết định của Tòa nhưng không thống nhất với các phần còn lại. Ngoài ra, trong một số vụ việc, Tòa có thể đưa ra một ý kiến cuối cùng “theo tòa án” (per curiam) - một loại ý kiến thường rất ngắn và bên dưới không ký tên. Loại ý kiến này thường được dùng khi Tòa chấp nhận xem xét lại một vụ việc nhưng không giải quyết triệt để vụ việc ấy.

Nhìn chung, mọi ý kiến thẩm phán là kết quả của những sự thỏa hiệp, bởi vậy, với mỗi vụ việc, đa số thẩm phán đều được chuẩn bị để đồng thuận ký vào bản công bố/phán quyết cuối cùng của Tòa. Nhưng để đến được bản cuối cùng này là một quy trình cồng kềnh vì phải trải qua tới 10 bản dự thảo ở các phòng của mỗi thẩm phán và 17 hoặc 18 bản dự thảo nữa trước khi bản tuyên bố đáp ứng yêu cầu của tất cả thành viên. Mỗi thành viên/thẩm phán thường phải soạn khoảng 13-18 ý kiến đa số mỗi năm và cũng viết một số lượng tương đương các bài ủng hộ hoặc phản đối. Diễn biến chính của mỗi phiên tòa tại Tòa án Tối cao đều được ghi lại bằng nhật ký phiên tòa và được đăng tải, công bố rộng rãi. Trên trang web của Tòa http://www.supremecourt.gov/oral_arguments, những phiên tranh luận giữa thẩm phán và luật sư hai bên đều được ghi âm và đăng tải công khai./.  

                                                                        TS. Nguyễn Anh Hùng

                                                                                 Viện Nghiên cứu châu Mỹ

                                                 

Tài liệu tham khảo chính:

1.     Nguyễn Anh Hùng, Chức năng và tác động tương hỗ của Tòa án Tối cao Mỹ, Tạp chí (Tc.) Nghề luật, số 5/2016, tháng 10/2016.

2.     Gary C. Jacobson & Samuel Kernell, Lôgích chính trị Mỹ, Nhà xuất bản (Nxb.) Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007.

3.      Lê Văn Phụng, Cơ chế hoạt động giữa lập pháp - hành pháp - tư pháp trong Nhà nước Mỹ, Tc. Châu Mỹ ngày nay, số 3, tháng 3/2011

4.      Bùi Ngọc Sơn, Chế độ bảo hiến Mỹ, Tc. Tòa án nhân dân, số 4, tháng 2/2007.

5.     Jeffrey Toobin, Bộ Chín - Bên trong thế giới bí mật của Tòa án Tối cao Mỹ, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.

6.     Jay M. Feinman & Richard Beeman, Supreme Court Decisions, Nxb. Penguin Books, London, 2012.

7.     Ruadhan Mac Cormaic, The Supreme Court, Nxb. Penguin Books, London, 2017.

8.      David M. O’Brien, Storm Center: The Supreme Court in American Politics, Nxb. W. W. Norton & Comp., New York, 2003.

9.      Robert McKeever, The United States Supreme Court: A political and legal analysis, Nxb. Manchester University Press, Manchester, 2011.

10.   William J. Quirk, Courts and Congress: America’s Unwritten Constitution, Nxb. Transaction Publishers, Piscataway, 2008.  

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra