Tòa án đặc biệt chống tham nhũng của Albania

Thứ sáu, 18/03/2022 16:12
(ThanhtraVietNam) - Sau chiến thắng vang dội của liên minh do Đảng Xã hội (PS-LSI) lãnh đạo trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013, chính phủ Albania đã khởi xướng một chiến lược cải cách hiến pháp nhằm chống lại nạn tham nhũng tràn lan trong ngành tư pháp tại quốc gia này.

Chiến lược cải cách hiến pháp đã thay đổi toàn diện thể chế thường trực của các cơ quan tư pháp và công tố ở Albania. Trong đó, việc thành lập Tòa án đặc biệt chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức (được gọi là Tòa án SPAK), là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược cải cách này.

Chiến lược tổng thể của cuộc cải cách được xây dựng bởi một nhóm các chuyên gia Albania và chuyên gia quốc tế được thành lập dưới sự bảo trợ của Quốc hội. Với mục tiêu tăng cường tính liêm chính và độc lập của các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vụ án tham nhũng, nhóm chuyên gia nhấn mạnh rằng cấu trúc nên độc lập và không chịu ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài của các nhóm tội phạm và chính trị, đồng thời phải đảm bảo rằng các công tố viên cấp cao sẽ không thể tác động đến các vụ việc đang diễn ra của các công tố viên cấp thấp hơn. Đáng chú ý nhất, nhóm đã khuyến nghị việc tiến hành kiểm tra chặt chẽ tính liêm chính và tài sản của các công chức, và việc thực hiện này phải được giám sát liên tục.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Albania đã được cấp tư cách ứng cử viên EU vào tháng 6/2014, nhưng việc bắt đầu đàm phán gia nhập được thực hiện với điều kiện dựa trên tiến bộ bền vững về cải cách tư pháp và các hành động chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng. Điều này đã tạo ra áp lực đáng kể đối với phe đối lập trong nghị viện, mặc dù ban đầu miễn cưỡng về việc cải cách, nhưng cuối cùng cũng đã nhất trí ủng hộ các sửa đổi hiến pháp khi chúng được thông qua vào ngày 22/7/2016.

Hệ thống tòa án hình sự ở Albania được cấu trúc theo ba cấp. Trước khi thành lập Tòa án SPAK, tùy thuộc vào danh tính của bị cáo cơ quan tư pháp đã xử lý từng vụ án tham nhũng theo một trong những cách sau:

Thứ nhất, các vụ án tham nhũng cấp thấp được xét xử bởi các tòa án thông thường. Những trường hợp như vậy trước tiên được đưa ra trước tòa án cấp huyện có thẩm quyền và sau đó có thể được chuyển lên tòa phúc thẩm. Tòa án cấp cao xét xử giám đốc thẩm.

Thứ hai, trước năm 2014, các tòa án thông thường cũng đã xử lý các vụ án tham nhũng cấp cao. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi năm 2014, các vụ án tham nhũng cấp cao liên quan đến các quan chức cấp cao, các quan chức được bầu ở địa phương và các quan chức tư pháp đã được xử lý sơ thẩm bởi Tòa án Tội phạm nghiêm trọng, một cơ cấu tòa án chuyên biệt.

Thứ ba, tất cả các hành vi phạm tội, kể cả tham nhũng liên quan đến quan chức cấp cao nhất (như tổng thống hoặc thủ tướng) đều được giao cho Tòa án tối cao xử lý.

Với việc bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 19/12/2019, Tòa án SPAK đã tiếp quản các cơ sở của Tòa án tội phạm nghiêm trọng và phần lớn nhân viên làm việc tại đây. Giống như các Tòa án tiền nhiệm, Tòa án SPAK bao gồm cấp sơ thẩm, phúc thẩm có thẩm quyền xét xử trên toàn quốc và tòa án cấp cao đóng vai trò là tòa giám đốc thẩm.

Gắn liền với Tòa án SPAK là Cơ cấu đặc biệt chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức; bao gồm một cơ quan công tố được gọi là Văn phòng Công tố đặc biệt, độc lập với các cơ quan công tố còn lại và một đơn vị điều tra trực thuộc Cục Điều tra Quốc gia; có trách nhiệm độc quyền trong việc điều tra và truy tố các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án SPAK.

Điều 135 của Hiến pháp Albania trao cho Tòa án SPAK thẩm quyền xét xử tham nhũng, tội phạm có tổ chức và các tội danh liên quan đến các quan chức cấp cao nhất. Năng lực của Tòa án SPAK được quy định rõ hơn trong Điều 75 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Do đó, hầu hết các năng lực liên quan đến tham nhũng trước đây được phân chia cho ba trụ cột của cơ quan tư pháp (Tòa án thông thường, Tòa án Tội phạm nghiêm trọng và Tòa án Cấp cao) đều tập trung tại các Tòa án SPAK. Mặc dù Tòa án SPAK không chỉ chuyên về các vụ án tham nhũng, nhưng những vụ án như vậy chiếm một phần đáng kể trong hồ sơ. Trong số 70 vụ với 260 bị cáo do Văn phòng Công tố đặc biệt đệ trình lên Tòa án SPAK vào năm 2020, 53 vụ với khoảng 100 bị cáo liên quan đến tham nhũng.

Cho đến gần đây, không có giới hạn về mức độ của các tội phạm tham nhũng thuộc thẩm quyền của Tòa án SPAK. Tuy nhiên, một bản sửa đổi đối với Bộ luật Hình sự Albania vào ngày 23/3/2021 đã đưa ra các ngưỡng tiền tệ tối thiểu là khoảng 500 đô la đối với một số tội danh tham nhũng liên quan đến công chức và khoảng 7.500 đô la đối với tham nhũng trong mua sắm. Các trường hợp tham nhũng dưới ngưỡng này hiện được xử lý bởi các tòa án thông thường.

Các Tòa án SPAK chỉ bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2019 và quá trình cải cách vẫn đang tiếp tục. Vì vậy, còn quá sớm để đưa ra những đánh giá thực chất về hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng nói là Tòa án SPAK đã xử 20 vụ án tham nhũng sơ thẩm vào năm 2020, liên quan đến 29 bị cáo, không ai trong số họ được tuyên vô tội.

Dương Nguyễn
(Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra