Thanh tra Bộ GTVT :

Chủ động điều chỉnh, thực hiện kế hoạch thanh tra phù hợp với điều kiện thực tế

Thứ sáu, 27/05/2022 17:00
(ThanhtraVietNam) – Trong giai đoạn từ 2020 - 2022, do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và tác động lớn đến việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ động điều chỉnh, thực hiện một số cuộc thanh tra, kiểm tra phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.

Cụ thể, trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra hàng năm Thanh tra Bộ và các cơ quan được giao chủ trì triển khai công tác thanh tra thường xuyên rà soát, báo cáo Bộ GTVT công tác triển khai thực hiện và đề xuất điều chỉnh kế hoạch theo quy định đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn và chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2020, kế hoạch thanh tra của Bộ GTVT được rà soát, điều chỉnh 02 lần, theo đó, Bộ GTVT đã điều chỉnh không thực hiện hoặc chuyển sang kế hoạch thanh tra năm 2021 đối với 28 cuộc do trùng lặp với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong 02 đợt điều chỉnh giảm này, có 11 cuộc do Thanh tra Bộ được giao chủ trì tham mưu thực hiện và 17 cuộc do Tổng cục ĐBVN và các Cục chuyên ngành trực thuộc Bộ GTVT được giao chủ trì tham mưu thực hiện.

Năm 2021, kế hoạch thanh tra của Bộ GTVT được rà soát điều chỉnh 02 lần, theo đó, Bộ GTVT đã điều chỉnh không thực hiện trong năm 2021 đối với tổng số 25 cuộc thanh tra, kiểm tra do trùng lắp kế hoạch Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính và nhất là cho phù hợp tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Trong 02 đợt điều chỉnh giảm này, có 13 cuộc do Thanh tra Bộ được giao chủ trì tham mưu thực hiện và 12 cuộc do Tổng cục ĐBVN và các Cục chuyên ngành trực thuộc Bộ được giao chủ trì tham mưu thực hiện.

Năm 2022, Thanh tra Bộ đã có Công văn đề nghị Tổng cục, các Cục trực thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2022 theo quy định.

leftcenterrightdel
 Thanh tra Bộ GTVT chủ động điều chỉnh, thực hiện kế hoạch thanh tra phù hợp với điều kiện thực tế

Về kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Bộ GTVT đã chủ trì thực hiện tổng số 29 cuộc thanh tra theo kế hoạch (bao gồm cả các cuộc thanh tra chuyển tiếp từ năm 2019 sang) và 01 cuộc thanh tra đột xuất về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, 27/30 cuộc đã kết thúc thanh tra tại đơn vị, 03/30 cuộc đang triển khai thanh tra tại đơn vị; đã ban hành hoặc tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành 32 kết luận thanh tra.

Những nội dung, lĩnh vực thanh tra chủ yếu trong giai đoạn 2020-2022 gồm, công tác đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông; công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản, kinh phí ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; công tác quản lý kinh doanh vận tải; công tác kiểm tra, đánh giá, chứng nhận điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; công tác kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng; công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ; công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, lai dắt tàu biển.

Về cơ bản, các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra theo quy định. Qua công tác thanh tra đã kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hàng hải và các lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải; đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 3,365 tỷ đồng và xử lý kinh tế khác trên 30,239 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.

Ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, Thanh tra Bộ GTVT triển khai thực hiện 13 cuộc kiểm tra để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT, trong đó tập trung kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và phòng ngừa vi phạm, góp phần đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng công trình.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ cũng nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc như thời gian ban hành một sổ kết luận thanh tra còn chậm so với quy định, nguyên nhân do tính chất phức tạp của cuộc thanh tra, cần có thời gian nghiên cứu, đảm bảo việc ban hành kết luận khách quan, chính xác, tính khả thi cao. Việc tổ chức cuộc họp công khai kết luận thanh tra đối với một số cuộc thanh tra chuyên ngành còn có khó khăn vướng mắc đối tượng thanh tra rộng, trụ sở tại nhiều địa phương khác nhau. Việc triển khai, phối hợp thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành GTVT còn khó khăn vướng mắc do quy định về địa vị pháp lý của một số lực lượng thanh tra chuyên ngành như khối cảng vụ hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa còn chồng chéo. Lực lượng công chức còn mỏng so với khối lượng nhiệm vụ chính trị thường xuyên, các công việc đột xuất do Lãnh đạo Bộ giao và công việc mới (kiểm toán nội bộ, kiểm tra xác minh tài sản thu nhập)./.

H.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra