Công tác xử lý sau thanh tra: Thực trạng và giải pháp nhìn từ tỉnh Hà Tĩnh

Thứ ba, 04/10/2022 15:54
(ThanhtraVietNam) – Trước thực trạng hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, cần xác định rõ nguyên nhân và giải pháp để xử lý.

Trong những năm qua, công tác thanh tra tại Hà Tĩnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Các cuộc thanh tra được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước cũng như củng cố trật tự quản lý trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Thông qua công tác thanh tra, đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm giúp đơn vị được thanh tra tăng cường công tác quản lý nhà nước; chấn chỉnh việc áp dụng, chấp hành không đúng các quy định về chế độ, chính sách pháp luật trong công tác quản lý. Đồng thời, tham mưu cho cơ quan cấp trên có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, phòng ngừa những sơ hở trong việc chỉ đạo, ban hành cơ chế quản lý, chính sách và qua hoạt động thanh tra đã kiến nghị thu hồi các khoản thu cho ngân sách nhà nước do đối tượng thanh tra vi phạm.

Tuy nhiên, quá trình chấp hành các nội dung theo kết luận, kiến nghị thanh tra, nhiều đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc hoặc chưa đẩy đủ theo kết luận, kiến nghị thanh tra; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị chưa có những biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo việc thực thi nội dung theo kết luận, kiến nghị thanh tra. Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động này chưa đạt hiệu quả như mong muốn, có một số nguyên nhân chủ yếu sau:  

leftcenterrightdel
Công tác xử lý sau thanh tra thực trạng và giải pháp 

Thứ nhất, quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, thiếu các quy định về cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra; thiếu các chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật. 

Thứ hai, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kết luận thanh tra, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản và xử lý cán bộ có vi phạm phát hiện qua thanh tra.

Thứ ba, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân bị xử lý còn hạn chế. Có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, một số nguyên nhân khách quan như khó khăn chung của cả nền kinh tế, khiến đối tượng thanh tra chậm hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thanh tra thu hồi khi thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra. 

Để việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra được thực hiện nghiệm túc và triệt để, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngoài những nỗ lực của cơ quan thanh tra, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, cần tập trung xử lý đồng bộ một số giải pháp sau:

(1). Từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về thanh tra, trong đó có chế tài cụ thể, đủ mạnh trong việc xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra.

(2) Quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra thống nhất trong toàn ngành; Quy định cụ thể về xử lý về trách nhiệm cá nhân đối với Thủ trưởng các cơ quan hành chính nếu không tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra.

(3) Đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức trong việc chấp hành tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.

 (4) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, kỹ năng cho đội ngũ đảm nhiệm công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc này có ý nghĩa lâu dài đối với việc củng cố, phát triển nguồn lực con người, đặc biệt yếu tố này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả các kết luận, kiến nghị thanh tra./.

Trịnh Công Minh – Thanh tra Hà Tĩnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra