Khó khăn bất cập trong phát hiện vụ việc có “dấu hiệu phạm tội” cần đề nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra

Thứ hai, 04/07/2022 16:55
(ThanhtraVietNam) - Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố là cách thức mà các cơ quan này phối hợp với nhau trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố.

Cơ chế này được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thanh tra 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra 2010 và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Thanh tra Chính phủ quy định về phối hợp giữa cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, cơ quan Thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.

Vấn đề quan trọng để phát sinh mối quan hệ phối hợp này là việc cơ quan Thanh tra phát hiện vụ việc có “Dấu hiệu tội phạm”. Tuy nhiên, việc nhận định như thế nào là có “Dấu hiệu phạm tội” thì chưa được quy định rõ ràng trong Luật Thanh tra 2010, bên cạnh đó nghiệp vụ thanh tra cũng chưa có hướng dẫn chi tiết về vấn để này, do đó làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác thanh tra và kiểm tra của cơ quan Thanh tra.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát bị giới hạn bởi nội dung phối hợp, đó là việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố. Việc phối hợp này chỉ phát sinh khi cơ quan thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, trên thực tế, năng lực phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng của cơ quan Thanh tra còn rất hạn chế bên cạnh yếu tố khách quan như các hành vi có “Dấu hiệu phạm tội” được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi hơn, các đối tượng trong các vụ việc đa phần có trình độ học thức, chuyên môn nghiệp vụ và địa vị xã hội, thường có các thủ đoạn để che giấu hành vi nên gây khó khăn trong công tác phát hiện còn có những yếu tố chủ quan tồn tại trong cơ quan Thanh tra.

Trong đó, có liên quan đến quyền trong hoạt động thanh tra; việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra. Năng lực phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ không phải là thế mạnh của cơ quan Thanh tra.

Vì vậy, khả năng phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm của cơ quan Thanh tra là rất khó khăn. Do đó, có nhiều vụ việc cơ quan Thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra đề nghị khởi tố bị bác bỏ do không đủ yếu tố “Cấu thành tội phạm”.

Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 chỉ đích danh cơ quan Thanh tra trong mối quan hệ phối hợp: “Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự” được quy định tại khoản 5, Điều 5.

Tuy nhiên, các quy định này cũng chưa tạo ra sự khác biệt về vai trò của cơ quan Thanh tra trong hoạt động phòng, chống tội phạm so với cơ quan, tổ chức khác. Hồ sơ và kiến nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra; trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị cũng tương tự như việc tiếp nhận và giải quyết tin báo tội phạm theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Chính vì không có sự khác biệt trong mối quan hệ với các cơ quan khác trong việc phát hiện và xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm dẫn tới sự không thống nhất trong việc xác lập mối quan hệ phối hợp. Trong khi cơ quan Thanh tra được pháp luật thanh tra, pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định có vai trò quan trọng trong phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhưng cơ chế phối hợp với cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát chưa tương xứng với tính chất và hoạt động của cơ quan Thanh tra đó là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ chế phối hợp này chưa tạo sự chủ động, ràng buộc trách nhiệm cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ phối hợp.

Do đó, cần có những điều chỉnh, bồ sung bằng văn bản pháp luật nhằm phục vụ cho công tác thanh tra của cơ quan Thanh tra như: Nghiên cứu cơ sở khoa học để quy định quyền khởi tố điều tra ban đầu cho cơ quan Thanh tra vì việc trao thẩm quyền khởi tố điều tra ban đầu sẽ giúp nâng cao vị thế của cơ quan Thanh tra trong mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát. Bởi khi đó, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan này là mối quan hệ tố tụng, được điều chỉnh bởi Bộ Luật tố tụng hình sự và thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi bên trong mối quan hệ này được quy định đầy đủ và có nhiều sự ràng buộc chặt chẽ. Việc trao thẩm quyền này cũng sẽ giúp cơ quan Thanh tra thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, mà một trong nhiệm vụ của công tác này là phát hiện tham nhũng được thực hiện thông qua chức năng thanh tra.

Bên cạnh đó, cơ quan Thanh tra cần chủ động phối hợp cơ quan Điều tra khi thanh tra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, hoặc những vụ việc thanh tra nhằm giải quyết đơn thư tố cáo, thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì cơ quan thanh tra cần chủ động phối hợp với cơ quan Điều tra ngay từ ban đầu. Cụ thể, trong thành phần Đoàn thanh tra, cần có cán bộ làm công tác điều tra tham gia để tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý vụ việc sau khi được chuyển cho cơ quan điều tra. Việc có cán bộ điều tra tham gia Đoàn thanh tra sẽ hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ nhằm giúp cho Đoàn thanh tra thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ, xác định rõ hơn các dấu hiệu tội phạm của đối tượng thanh tra, từ đó có những đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra. Ngoài ra, cơ quan điều tra khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc cũng không mất nhiều thời gian để củng cố hồ sơ, chứng cứ, qua đó rút ngắn thời gian điều tra, đồng thời tạo sự đồng thuận giữa hai cơ quan trong việc xác định tính chất, mức độ vi phạm, giảm thiểu nguy cơ tiêu cực trong quá trình xử lý vụ việc./.

Ngọc Xinh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra