Thanh tra tỉnh Cà Mau:

Nâng cao hiệu quả trong thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra

Thứ sáu, 30/09/2022 10:39
(ThanhtraVietNam) - Trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành Thanh tra tỉnh Cà Mau đã bám sát kế hoạch, các nội dung trọng tâm theo chương trình công tác đề ra, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đáp ứng được yêu cầu chung, đảm bảo đúng về trình tự thủ tục và thời gian theo quy định của pháp luật. Qua thanh tra đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, góp phần ổn định tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Thực hiện tốt các giải pháp về xử lý sau thanh tra

Cụ thể, về thanh tra hành chính, trong 9 tháng đầu năm, ngành Thanh tra của tỉnh đã triển khai 57 cuộc (triển khai trong kỳ 50 cuộc), tăng 12 cuộc so với cùng kỳ năm 2021; theo kế hoạch được phê duyệt 45 cuộc, thanh tra đột xuất 12 cuộc. Nội dung các cuộc thanh tra tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng...

Kết quả, đã ban hành kết luận 38 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 3.476,81 triệu đồng (kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 2.511,03 triệu đồng; kiến nghị khác 965,78 triệu đồng); kiến nghị xử lý khác 450 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 12 tổ chức, 112 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 4 vụ 1 đối tượng.

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Thanh tra các sở, ngành đã tiến hành 9.000 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 10.045 tổ chức, cá nhân (triển khai trong kỳ 8.994 cuộc). Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung về y tế, nông nghiệp phát triển nông thôn, giao thông...

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 924 tổ chức, cá nhân vi phạm; đã ban hành 466 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 4.912 triệu đồng (đã thu 4.799 triệu đồng); kiến nghị xử lý bằng hình thức khác 431 triệu đồng (đã xử lý xong).

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) 

Đối với công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, sự phối hợp các cấp, các ngành, của đối tượng thanh tra, Thanh tra tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp về xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, công tác thu hồi sai phạm về kinh tế các năm trước chuyển sang đạt kết quả chưa cao. Trong kỳ báo cáo, đã kiểm tra, đôn đốc 48 kết luận thanh tra , số tiền phải thu hồi là 4.488 triệu đồng, số tiền đã thu hồi là 1.432 triệu đồng.

Về kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, trong 9 tháng đầu năm, ngành Thanh tra tỉnh tiếp tục tham mưu UBND cùng cấp thực hiện công tác quản lý nhà nước và lãnh đạo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Các đơn vị thanh tra thường xuyên cập nhật và rà soát, áp dụng văn bản có liên quan phục vụ cho công tác chuyên môn. Tổng số văn bản đã ban hành là 28 văn bản.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng luôn được các cấp, các ngành thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, như: Mở các lớp bồi dưỡng trực tuyến, lồng ghép tại các buổi tiếp công dân, đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân.

Chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thanh tra trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra và xử lý thu hồi tài sản vi phạm được quan tâm thực hiện, góp phần chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong công tác quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tiền xử lý sau thanh tra của các năm trước chuyển sang đạt tỷ lệ chưa cao.

Nguyên nhân được Thanh tra tỉnh xác định là do trong thực tiễn có tình trạng tổ chức, cá nhân sai phạm có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thực hiện nộp số tiền sai phạm, hoặc đã chết; một số đối tượng (Công ty, doanh nghiệp) cố tình không thực hiện hoặc đã giải thể, đi khỏi nơi cư trú (không tìm được địa chỉ), nên rất khó khăn trong việc thu hồi tiền, tài sản, dẫn đến việc theo dõi xử lý vi phạm qua thanh tra kéo dài nhiều năm, nhưng không có quy định xử lý cụ thể.

Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, Thanh tra tỉnh cho biết, trong 3 tháng cuối năm, sẽ chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và khi được giao; thanh tra diện rộng khi có chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Chính phủ, về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Tăng cường công tác giám sát, thẩm định để nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Thanh tra Chính phủ, về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành thanh tra.

Mặt khác, phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra mở lớp Bồi dưỡng pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại tỉnh Cà Mau./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra