Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Xử lý 4.661 tổ chức, cá nhân vi phạm lĩnh vực tài nguyên, môi trường

Thứ hai, 06/06/2022 16:18
(ThanhtraVietNam) - Qua thanh tra, kiểm tra giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử lý 4.661 tổ chức, cá nhân có vi phạm, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 794 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 150.562 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 803 triệu đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, huy động và kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường, không còn để xảy ra chồng chéo, trùng lặp về đối tượng thanh tra.

Nội dung thanh tra tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, như: Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư, khai thác trái phép khoáng sản; tăng cường thanh tra đột xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này.

Trong thanh tra, kiểm tra, bên cạnh việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa, Bộ đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật về tài nguyên và môi trường; phát hiện những vướng mắc, bất cập, kẽ hở, lỗ hổng trong thực tế thi hành pháp luật để sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Cũng trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp 2.455 lượt công dân với 5.922 người (trong đó 343 đoàn đông người). Số lượng đơn thư khiếu nại của công dân đã tiếp nhận và giải quyết ngày càng giảm dần (năm 2021 giảm so với năm 2020 là 28%). Tập trung lực lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai phức tạp, đông người, tồn đọng, kéo dài; quan tâm giải quyết đối với các vụ việc mới phát sinh, đảm bảo ổn định trật tự, chính trị, xã hội ở các địa phương trong năm diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước.

leftcenterrightdel
Nội dung thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, như tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai. (Ảnh minh họa - Minh Nguyệt)

Thiết lập các kênh thông tin (đường dây nóng, thư điện tử, hệ thống hỏi đáp,... theo dõi, đánh giá, lắng nghe tiếng nói, phản hồi của Nhân dân, doanh nghiệp về công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở từng địa phương và chất lượng dịch vụ công của ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ cũng còn một số hạn chế như việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa Bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường...

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số lĩnh vực quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường mang tính lịch sử, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và yêu cầu của phát triển kinh tế, trong khi đó các nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mặt khác, do chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường đang trong quá trình hoàn thiện nên vẫn còn có điểm chồng chéo và chưa theo kịp quá trình phát triển của thực tiễn. Nguồn lực, nguồn vốn đầu tư cho công tác điều tra cơ bản còn hạn chế. Hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động về tài nguyên, môi trường chưa được thực hiện một cách đồng bộ; chưa có chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động tài nguyên, bảo vệ môi trường. Một số địa phương còn quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, hiệu quả trước mắt, dẫn đến khai thác, sử dụng tài nguyên quá mức, thiếu bền vững, môi trường bị ô nhiễm; nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta còn chưa đầy đủ…/.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra