10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 2012-2022:

Kiên trì, quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân

Thứ năm, 30/06/2022 14:00
(ThanhtraVietNam) - Sáng ngày 30/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chấp hành Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Hội nghị được tổ chức tập trung tại hội trường Trung ương Đảng và truyền trực tuyến tới điểm cầu của một số bộ, ban ngành, 63 tỉnh, thành cùng các huyện, xã, với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp, hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước.

Tại điểm cầu trụ sở Thanh tra Chính phủ có sự tham dự của các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Đặng Công Huẩn, Trần Ngọc Liêm, Trần Văn Minh, Lê Sỹ Bảy cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, các tổ chức Đảng, đoàn thể của Thanh tra Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: K. Dung

Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ráo riết, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, để lại dấu ấn tốt. Trong đó, có nhiều chuyển biến rõ rệt, nổi bật. 

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Ảnh: K. Dung

Cụ thể: Một là, đã chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có cả các vụ án, vụ việc xảy ra ở các lĩnh vực có chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, lâu nay ít được quan tâm: Đấu giá đất, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, y tế, giáo dục, trong lực lượng vũ trang, giải cứu công dân ở nước ngoài về nước; phát hiện, xử lý một số vụ án lớn, nghiêm trọng xảy ra trong khu vực ngoài nhà nước; xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, trong đó lần đầu tiên xử lý hình sự đối với 01 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; 10 đồng chí Ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Hai là, chỉ đạo thực hiện nhiều cơ chế hiệu quả về phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhất là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý đồng bộ, kịp thời các sai phạm về tham nhũng, tiêu cực được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ba là, gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để phòng, chống tham nhũng từ gốc.

Bốn là, lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Năm là, tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả này đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đạt được những kết quả trên là do: (1) Có chủ trương đúng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của các đồng chí đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; (3) Sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) Sự kế thừa, tiếp nối của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ; sự cộng hưởng của những kết quả tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; (5) Sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặc dù vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn những hạn chế cơ bản là: (1) Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức; (2) Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; (3) Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức; (4) Công tác giám định, định giá tài sàn vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; (5) Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có thể nói, một số nơi, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm và làm chưa đi đôi với nói trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưỏng chính trị, đạo đức, lối sống; việc khắc phục sơ hở, bất cập, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Việc thực thi pháp luật nói chung và thực thi các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi chưa nghiêm; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng có mặt còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ chính sách còn hạn chế.

Hội nghị đã nhận được 20 bài tham luận của các Ban, Bộ, ngành của Trung ương và địa phương. Các ý kiến tham luận đều góp phần đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và địa phương trong 10 năm qua và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Qua đó thể hiện sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu đã đạt được và làm rõ, đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề để cả hệ thống chính trị cùng thống nhất cao lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới.

Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Thời gian qua, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác cán bộ, cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đạt kết quả tốt. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn. Chú trọng việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng; tích cực hợp tác quốc tế và từng bước mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động phòng, chống tham nhũng. 

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý một số nội dung sau:

Một là: Phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Hai là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Ba là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Bốn là: Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Năm là: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Tôi đã nhiều lần nói: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực!

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra