Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Thứ ba, 17/05/2022 06:45
(ThanhtraVietNam) - “Tuyên truyền, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước và giới báo chí. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà các cấp Hội cần thực hiện trong thời gian tới theo định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra ngày 16/5, tại Thanh Hóa.

Phát động thi đua lập thành tích thiết thực Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Khắc phục khó khăn, linh hoạt ứng phó, thực hiện tốt các nhiệm vụ

Theo báo cáo tổng kết công tác Hội năm 2021, với trọng tâm “Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam; Thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025”, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bám sát nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Chương trình công tác toàn khoá; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Hội chủ động, ứng phó linh hoạt theo điều kiện thực tiễn, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. 

Các cấp Hội khắc phục khó khăn, linh hoạt ứng phó, thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Nghị quyết toàn khóa. Các cấp Hội tích cực đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam; tham gia tích cực các hoạt động chung và phong trào do Hội Nhà báo Việt Nam phát động, tuân thủ Điều lệ Hội, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thành thủ tục đổi, trao thẻ hội viên giai đoạn 2021-2026 đến từng hội viên; thực hiện tốt chế độ báo cáo, tham gia đóng góp cho Dự thảo Báo cáo chính trị và Điều lệ Hội sửa đổi Khóa XI, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Khóa XI Hội Nhà báo Việt Nam, nêu cao trách nhiệm của đại biểu dự Đại hội XI. Năm 2021, Hội đã kết nạp 1.767 hội viên, thành lập mới 11 chi hội, tiến hành xóa tên 505 hội viên. Tính đến hết tháng 4/2022, sau khi đổi thẻ hội viên giai đoạn (2021-2021) Hội Nhà báo Việt Nam có 21.201 hội viên và 288 tổ chức Hội, gồm: 63 Hội Nhà báo tỉnh/thành phố, 20 Liên Chi hội và 205 Chi hội; đổi, cấp thẻ hội viên giai đoạn 2021-2026 cho: 21.201 hội viên. Đến nay, có 30 đơn vị chi hội chưa nộp hồ sơ đổi thẻ của 4.708 hội viên.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tổng kết. Ảnh: T.A

Nhiều điểm mới trong bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí

Công tác nghiệp vụ là hoạt động trọng tâm được Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp Hội chú trọng thực hiện và đạt kết quả tốt.

Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức được 7 giải báo chí chuyên ngành: (1) Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ III-Năm 2020-2021; (2) Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” lần thứ VI năm 2021; (3) Giải Báo chí toàn quốc về Phòng chống thiên tai lần thứ hai; (4) Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021; (5) Giải Báo chí toàn quốc về công tác dân số năm 2021; (6) Giải Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021; (7) Giải Báo chí toàn quốc “Vì sức khỏe nhân dân” lần thứ nhất; phối hợp với tổ chức OXFAM tổ chức 03 khóa tập huấn nghiệp vụ online; chủ trì biên tập và xuất bản 3 cuốn sách; tham gia soạn thảo Báo cáo chính trị và một số tài liệu Đại hội XI và hoàn thành các công việc chuyên môn đột xuất do Thường trực Hội giao. Được lãnh đạo, các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí và các cấp Hội đánh giá cao.

Các cấp Hội chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều sinh hoạt nghiệp vụ phong phú, thiết thực như: Hội thảo, tập huấn, giao lưu, tọa đàm cùng nhiều hoạt động nghiệp vụ nội dung thiết thực; phối hợp tổ chức giải báo chí tỉnh, thành phố và giải báo chí chuyên ngành thu hút đông đảo người làm báo tích cực tham gia.

Đáng chú ý, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực và chủ động từ các cấp hội cả nước với 1.931 tác phẩm báo chí tiêu biểu thuộc tất cả các loại hình báo chí dự giải, cao nhất trong nhiều năm từ trước đến nay. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác phục vụ chấm sơ khảo, chung khảo vẫn đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả; việc tổ chức Lễ trao Giải vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa sâu rộng, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Năm 2021, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã chủ động khắc phục khó khăn do giãn cách xã hội và nguồn kinh phí nhà nước cấp bị cắt giảm, linh hoạt địa điểm tổ chức lớp, tăng cường hợp tác quốc tế và huy động thêm nguồn kinh phí khác tổ chức được 112 lớp học, nhiều hơn so với năm trước (105 lớp), cho 21.219 lượt học viên. Các lớp bồi dưỡng được đánh giá là có sự chuẩn bị chu đáo, đổi mới về nội dung và hình thức, trong đó: 70% số lớp từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, 5% số lớp do tổ chức nước ngoài tài trợ (Dự án CFI, Pháp; Tổ chức Hướng tới Minh bạch tại Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam), 25% từ nguồn hợp tác tổ chức trong nước.

Thêm nữa, một số điểm mới trong bồi dưỡng nghiệp vụ như: Đổi mới hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến; Tổ chức một số lớp học ngắn ngày hơn nhưng chuyên sâu hơn về một kỹ năng cụ thể; Triển khai ghi hình các clips bài giảng để xây dựng thư viện giảng dạy trực tuyến. Đổi mới về nội dung: Tổ chức các lớp bắt kịp sự thay đổi của báo chí thế giới như sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, tòa soạn hội tụ, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả, SEO cho báo mạng; Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng khoa học, truyền thông về giới, xây dựng Đảng, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số; Tổ chức hội thảo trực tuyến…

Tạo bước chuyển tích cực trong hoạt động của tổ chức hội

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá, trong năm 2021, ưu điểm là Ban Thường vụ, Ban Chấp hành chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, về hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam vừa ứng phó linh hoạt với tình hình thực tế đề ra Chương trình công tác sát đúng, kịp thời. Đồng thời, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới và sáng tạo, vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo bước chuyển tích cực trong hoạt động của tổ chức Hội. Đi liền với đó, các cấp Hội tổ chức tốt Đại hội nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Mô hình tổ chức bộ máy của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố chưa thống nhất; Mặc dù có nhiều cố gắng đổi mới hình thức và nội dung nhưng kết quả hoạt động của tổ chức Hội còn thấp so với yêu cầu, mục tiêu đề ra; Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, chặt chẽ nên chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm; Các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, dẫn tới sự thay đổi về tổ chức bộ máy tổ chức Hội và số lượng hội viên, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư nguyện vọng của hội viên…

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (ảnh đứng) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T,A 

 

Công tác hội gắn với phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2022 là năm có ý nghĩa nền tảng, bản lề trong việc triển khai thực Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Trong xu thế hội nhập, sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội, đặt ra yêu cầu tất yếu về chuyển đổi số đối với báo chí truyền thông, công tác Hội gắn với phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các cơ quan báo chí cũng như các cấp Hội; Đây cũng là năm thứ nhất các cấp Hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, Điều lệ sửa đổi Khóa XI Hội Nhà báo Việt Nam. Vì vậy, các cấp Hội, các cơ quan báo chí và đội ngũ hội viên, người làm báo cần phải nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao kỷ cương, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tuyên truyền, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước và giới báo chí. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, Chương trình hoạt động toàn khóa, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung đến các cấp Hội và hội viên; hoàn thành việc đổi thẻ hội viên giai đoạn 2021-2026.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, triển khai Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh, quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Các nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo cần phối hợp thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí; Hỗ trợ báo chí chất lượng cao; Tổ chức tốt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI, Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, kết hợp với Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI vào ngày 21/6/2022; Tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo; Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025”…

Theo Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, đổi mới công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, phục vụ đắc lực nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí cách mạng thực hiện tốt sứ mệnh, tạo đồng thuận xã hội vì mực tiêu ổn định chính trị, khơi dậy ý thức, tâm huyết, khát vọng, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, các cấp Hội Nhà báo cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết TW 4, Khóa 12; Kết luận số 21- Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII về xây dựng chỉnh đốn đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập làm theo phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra