Nghệ An:

Tập trung công tác thanh tra vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm

Thứ sáu, 26/08/2022 06:19
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra tỉnh Nghệ An đã tập trung công tác thanh tra vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm; hướng dẫn các tổ chức Thanh tra trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch thanh tra theo đúng định hướng công tác của Thanh tra Chính phủ; đồng thời, thực hiện rà soát, xử lý loại bỏ trùng lặp Kế hoạch thanh tra của các đơn vị.

Những tháng đầu năm, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhưng UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo ngành Thanh tra triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt và các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của cấp trên. Bên cạnh đó, các Kết luận thanh tra ngoài việc kiến nghị xử lý về số tiền sai phạm còn chú trọng kiến nghị các hình thức xử lý đối với các nhân có hành vi sai phạm.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nghệ An

Kết luận 140 cuộc thanh tra tại 349 đơn vị

 Toàn Ngành đã triển khai 210 cuộc (trong đó: kỳ trước chuyển sang: 52 cuộc, triển khai trong kỳ: 158 cuộc) gồm: 191 cuộc theo kế hoạch, 19 cuộc đột xuất. Qua thanh tra đã ban hành kết luận 140 cuộc thanh tra tại 349 đơn vị, phát hiện sai phạm 33.345 triệu đồng và 19.800 m2 đất. Kiến nghị thu hồi 19.006 triệu đồng, kiến nghị giảm giá trị quyết toán, giảm cấp phát vốn và kiến nghị khác 14.339 triệu đồng và 19.800 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 43 tổ chức và 213 cá nhân có sai phạm; phát hiện 02 vụ việc chuyển cơ quan điều tra. Trong kỳ, toàn ngành Thanh tra có 171 Kết luận thanh tra phải thực hiện (bao gồm các Kết luận thực hiện chưa hoàn thành từ kỳ trước chuyển sang). Trong đó, có 138 Kết luận đã hoàn thành việc thực hiện và 33 Kết luận đang trong thời gian thực hiện. Qua việc thực hiện các Kết luận thanh tra, toàn Ngành đã thu hồi được 14.549/19.676 triệu đồng; xử lý khác 14.442/14.464 triệu đồng và 2.328/22.128 m2 đất; xử lý hành chính 39 tổ chức và 164 cá nhân có sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 02 vụ việc.

Đáng chú ý, toàn Ngành thực hiện 54 cuộc thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật vê thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đã ban hành Kết luận 40 cuộc tại 75 đơn vị; kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 24 tổ chức và 126 cá nhân có sai phạm.

Cụ thể, đối với lĩnh vực quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng: Đã thực hiện 61 cuộc thanh tra (59 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 02 cuộc đột xuất), ban hành Kết luận 44 cuộc tại 97 đơn vị. Phát hiện sai phạm 14.035 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 03 tổ chức và 23 cá nhân có sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 02 vụ việc.

Đối với lĩnh vực quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách: Đã thực hiện 113 cuộc thanh tra (109 cuộc theo kế hoạch và 04 cuộc đột xuất), ban hành Kết luận 57 cuộc tại 201 đơn vị. Phát hiện sai phạm 19.295 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 16 tổ chức và 61 cá nhân có sai phạm.

Đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng đất: Đã thực hiện 33 cuộc thanh tra (20 cuộc theo kế hoạch và 13 cuộc đột xuất), ban hành Kết luận 09 cuộc tại 13 đơn vị, phát hiện sai phạm 15 triệu đồng và 19.800 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 03 cá nhân có sai phạm.

Xử phạt là 5.559 triệu đồng từ hoạt động thanh tra chuyên ngành

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, toàn Ngành thực hiện 636 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, gồm 10 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 626 cuộc triển khai trong kỳ (trong đó, 208 cuộc thường xuyên, 107 cuộc theo kế hoạch và 321 cuộc đột xuất), chủ yếu về các lĩnh vực: Giao thông - vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế...; ban hành kết luận 256 cuộc đối với 2.563 tổ chức và cá nhân. Qua thanh tra chuyên ngành phát hiện 1.208 tổ chức và cá nhân có vi phạm, với tổng số tiền vi phạm là 453 triệu đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 350 triệu đồng; kiến nghị khác 103 triệu đồng; ban hành 1.206 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 5.559 triệu đồng, đã thu hồi được 88 triệu đồng số tiền vi phạm và 5.543 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Có thể nói, việc gắn công tác thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 với thanh tra công vụ đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong thực thi nhiệm vụ công vụ toàn ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm trong việc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công vụ; thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại địa phương, đơn vị được thanh tra, hạn chế thái độ hạch sách, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, hạn chế đơn thư.

Mặc dù vậy, công tác thanh tra của tỉnh Nghệ An thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế do một số đơn vị xây dựng dự thảo Kế hoạch thanh tra còn chung chung dẫn đến khó khăn cho việc rà soát, xử lý trùng lặp về đối tượng và nội dung thanh tra giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một số cơ quan thanh tra có cán bộ công chức và người nhà nhiễm bệnh nên cũng ảnh hưởng đến quân số làm việc và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, Thanh tra tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện nghiêm các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra; tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thanh tra cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành nhằm nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động và hạn chế các sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Thanh tra các cấp, các ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đồng thời, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch năm 2022 đã được các cấp, các ngành phê duyệt và các cuộc thanh tra đột xuất khi được giao. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thanh tra; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác thanh tra. Nâng cao hoạt động công tác thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất là trên các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm.

Tiếp đó, ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An xác định sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Rà soát, đối chiếu, xử lý trùng lặp tham mưu xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2023 của tỉnh và hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã xây dựng Chương trình, Kế hoạch thanh tra năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan thanh tra và sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra