Bộ Tài Chính:

Cương quyết xử lý trường hợp cố tình vi phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế

Thứ tư, 04/05/2022 09:21
(ThanhtraVietNam) - Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đề cảnh báo nhà đầu tư; đồng thời, chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm minh bạch hóa thông tin, ổn định thị trường.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn

Theo Bộ Tài chính, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được bán và giao dịch trong phạm vi nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành. Doanh nghiệp phát hành phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ, trung thực cho nhà đầu tư, công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán; đồng thời, có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn; các văn bản pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch và tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật.

Sau một năm triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ mà nguyên nhân chủ yếu là do một số nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận đã cùng với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại lách quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo đó tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật.

Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững. Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến rộng rãi qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin của Bộ Tài chính, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, ý kiến bằng văn bản và đối thoại trực tiếp với thành viên thị trường.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) rà soát để sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán: khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ (tư vấn phát hành, đại lý, đấu thầu, bảo lãnh, đăng ký, lưu ký trái phiếu và đại diện người sở hữu trái phiếu), điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường tính công khai minh bạch và giảm thiểu các rủi ro đối với thị trường TPDN.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm

Cũng theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, để ổn định thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN. Theo đó, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

Kết quả qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời, xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo UBCKNN phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét các trường hợp vi phạm. Gần đây, căn cứ hồ sơ, tài liêu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của 03 công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Hiện nay, Bộ này đang chỉ đạo UBCKNN tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán TPDN để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi sai phạm; trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đánh giá, việc xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường chứng khoán, thị trường TPDN của cơ quan quản lý. Đặc biệt, mới đây tại Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện ngay các biện pháp như bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước. Ai cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để minh bạch hóa thông tin, ổn định thị trường

Với mục đích công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến TPDN, đồng thời đảm bảo đây là một kênh huy động vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động cung cấp thông tin và đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị thông qua các thông cáo báo chí, các bài báo tại các tạp chí, báo trong và ngoài ngành Tài chính kết hợp với phóng sự, bài trả lời phỏng vấn, tọa đàm trên các phương tiện truyền thông.

Qua đó phổ biến các quy định mới về chào bán và giao dịch TPDN, kịp thời đưa ra định hướng phát triển thị trường TPDN và đưa ra các khuyến nghị và cảnh báo về các rủi ro đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn và các tổ chức cung cấp dịch vụ phải tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật, công bố thông tin công khai, đẩy đủ, minh bạch và đúng hạn cho nhà đầu tư.

Đặc biệt đối với nhà đầu tư TPDN là cá nhân, Bộ Tài chính thường xuyên cảnh báo về pháp luật đã quy định TPDN phát hành riêng lẻ là trái phiếu chỉ được phép bán và giao dịch cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là những người có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Nhà đầu tư không nên đầu tư trái phiếu nếu không có khả năng nhận biết, đánh giá được các rủi ro của trái phiếu, của doanh nghiệp phát hành, việc mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro rất lớn, có thể nhà đầu tư sẽ bị mất vốn nếu doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh và khó khăn trong triển khai dự án. Nhà đầu tư cố tình lách quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức sẽ bị xử phạt vi phạm.

Khẳng định công tác thông tin, tuyên truyền là một khâu quan trọng công tác quản lý nhà nước của mình, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cảnh báo nhà đầu tư, đồng thời chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN nhằm minh bạch hóa thông tin, ổn định thị trường.

 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra