Minh bạch các yêu cầu trong quá trình phát hành; cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể

Thứ tư, 05/10/2022 08:48
(ThanhtraVietNam) - Doanh nghiệp phải công bố thông tin minh bạch, trung thực, bao gồm trước khi phát hành và các nghĩa vụ về công bố thông tin sau khi phát hành trái phiếu. Tài sản đảm bảo đối với những trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc trái phiếu được bảo lãnh phải được định giá và phải đăng ký biện pháp đảm bảo theo quy định…

Những doanh nghiệp làm tốt, làm đúng mới dám minh bạch và dám phát hành.

Mới đây, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) mà chỉ làm rõ và minh bạch các yêu cầu trong quá trình phát hành; đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể. Những doanh nghiệp làm tốt, làm đúng mới dám minh bạch và dám phát hành. Còn các trường hợp cố tình làm sai sẽ lộ ngay và không được phát hành ra thị trường nếu không đáp ứng yêu cầu minh bạch.

Một chuyên gia tài chính phân tích, việc tăng tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành thông qua yêu cầu công bố đầy đủ thông tin, chính xác cho nhà đầu tư. Theo đó, về điều kiện và hồ sơ phát hành, khi doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng ký kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu. Đồng thời, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó, có một điểm đáng chú ý là Nghị định 65 yêu cầu doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và áp dụng từ ngày 1/1/2023 sắp tới. Tổ chức định mức tín nhiệm là một tổ chức cần phải có sự minh bạch rất cao trên thị trường và nếu tổ chức này không minh bạch, thị trường không thể nhận biết niềm tin ở đâu.

Liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin cho nhà đầu tư, trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải mua lại bắt buộc trái phiếu doanh nghiệp, nếu vi phạm phương án phát hành đã công bố.

Doanh nghiệp cũng phải công bố thông tin minh bạch, trung thực, bao gồm trước khi phát hành và các nghĩa vụ về công bố thông tin sau khi phát hành trái phiếu. Tài sản đảm bảo đối với những trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc trái phiếu được bảo lãnh phải được định giá và phải đăng ký biện pháp đảm bảo theo quy định.

Thêm vào đó, minh bạch trong các quy định đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường bao gồm: tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức kiểm toán, hay tổ chức định giá, kể cả tổ chức định mức tín nhiệm... đi kèm với việc tuân thủ quy định pháp luật và phải thực hiện các chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý đầy đủ, định kỳ.

Bên cạnh đó, việc minh bạch từ phía nhà đầu tư là rất quan trọng. Bởi một trong những rủi ro lớn phát sinh trong thời gian vừa qua đó chính là nhà đầu tư cá nhân rất hạn chế trong việc đánh giá rủi ro nhưng vẫn quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian đại dịch Covid-19, lãi suất ngân hàng rất thấp, các kênh đầu tư khác rất khó khăn chính là môi trường tạo điều kiện để nhà đầu tư cá nhân xuống tiền mua trái phiếu.

Theo đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Nghị định 65 hạn chế sự tiếp cận của những nhà đầu tư không có năng lực đánh giá rủi ro nhưng vì "mồi câu" lãi suất mà vẫn mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như trước đây. Khác với Nghị định 153/2020/NĐ-CP trước đây, Nghị định 65 đã nêu rõ rằng nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo phải có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và xác nhận chỉ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bổ sung thêm các quy định về minh bạch hóa thông tin với các nhà phát hành, phản ánh trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp

Do vậy, nhà đầu tư phải thực sự có hiểu biết và trang bị những kiến thức cơ bản về đầu tư; phải ký vào các văn bản để xác định rằng mình hiểu, tiếp cận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố trước khi đưa ra quyết định đầu tư.  Một điểm nữa, nhà đầu tư không được tham gia vào các hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu do các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác rao bán. Điều này sẽ giúp hoá giải  rủi ro rất lớn trong thời gian vừa qua.

Về phía cơ quan quản lý, quy định mới cũng bổ sung thêm các quy định về minh bạch hóa thông tin với các nhà phát hành, phản ánh trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán. Tại chuyên trang sẽ công bố các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Những vi phạm của doanh nghiệp phát hành không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư sẽ bị "bêu tên" trên chuyên trang.

Một chuyên gia đầu ngành cho rằng, để kích hoạt dòng vốn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới cần hai điều, đó là: kỳ hạn trái phiếu dài và lãi suất phải thấp. Khi đó, phát hành ra công chúng phải mạnh. Chỉ có phát hành ra công chúng mạnh mới làm tăng niềm tin thị trường, khi niềm tin lớn mới hạ được lãi suất và kéo dài kỳ hạn.

Tiếp đó, phải có hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách quan và chuẩn xác, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Khi tin, nhà đầu tư mới mua dài hạn và lãi suất thấp. Cùng với đó, phải có thị trường thứ cấp. Không có thị trường thứ cấp thì không thể kéo dài kỳ hạn. Nghiên cứu thị trường thứ cấp tại Nhật Bản cho thấy dù không sôi động như thị trường cổ phiếu nhưng khi cần bán là có ngay các giao dịch, đàm phán, thoả thuận, chỉ mất vài ngày, nhà đầu tư có thể bán được.

Vị chuyên gia này có một số những lưu ý với các chủ thể tham gia thị trường và mong muốn rằng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 65, thị trường sẽ dần nắm bắt được các quy định, điều chỉnh theo các quy định mới, để tiếp tục phát hành huy động vốn một cách hiệu quả trên thị trường.

Còn theo đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thì cho rằng một trong những điểm nổi bật trong Nghị định 65 theo đại diện Bộ Tài chính, đó là quy định về việc thiết lập một trường thứ cấp để giao dịch các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Ngoài tính thanh khoản của trái phiếu phát hành sẽ được tăng lên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có số liệu, dữ liệu của những giao dịch ở trên thị trường thứ cấp, phục vụ cho quá trình thanh kiểm tra sau này nếu có những vấn đề hoặc có những vi phạm xảy ra trên thị trường.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tổng thể các giải pháp, không chỉ đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ mà còn cả kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.

Cùng với đó, phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp có tổ chức, để cung cấp các dịch vụ, sản phẩm đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân, khi họ bị hạn chế tiếp cận kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Từ đó, có giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính toàn diện./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra